Theo đó, tại công viên Lam Sơn, triển lãm với chủ đề “Sáng mãi danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” giới thiệu chặng đường đấu tranh lịch sử, khí phách anh hùng của nhân dân Nam Bộ. Bằng các loại vũ khí thô sơ, quân dân Sài Gòn-Gia Định và lực lượng vũ trang các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá… đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kiên quyết bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
Tuy nhiên, với dã tâm muốn xâm chiếm nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp theo chân quân đồng minh Anh đánh chiếm trụ sở UBND Nam bộ và các cơ quan quan trọng của chính quyền ta ở Sài Gòn, báo hiệu cuộc xâm lược lần thứ hai.
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", quân dân Nam bộ với vũ khí thô sơ: tầm vông, giáo mác, nhất tề đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, để rồi sau đó cùng quân dân cả nước kết thúc thắng lợi 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Và 30 năm sau ta đã cắm lá cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đem lại độc lập, thống nhất toàn vẹn cho đất nước.
75 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của Ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945 vẫn còn vang vọng mãi trong lòng mỗi người dân chúng ta."Mùa Thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô, dân phương Nam nhịp chân tiến lên trận tiền...", những lời ca trong bài hát Nam bộ kháng chiến luôn gợi lại cho chúng ta nhớ về một giai đoạn quật khởi của vùng đất Nam bộ "Thành đồng Tổ quốc". Mùa thu năm ấy luôn là niềm tự hào, là nguồn động viên nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ vững bước tiến lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn.
Tinh thần kháng chiến của quân dân Nam Bộ là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quật cường và sự chiến đấu anh dũng của dân tộc ta, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.
Đồng thời, triển lãm cũng giới thiệu những thành tựu tiêu biểu về kinh tế, văn hóa, xã hội của TPHCM, các chương trình hợp tác, liên kết phát triển giữa thành phố với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ góp phần phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Triển lãm còn phản ánh một số công trình lớn, quy mô trên địa bàn thành phố góp phần quan trọng trong phát triển hướng đến đô thị văn minh, hiện đại, thể hiện sức sống vươn lên của thành phố trong xu thế hội nhập với thế giới.
Tại đường Đồng Khởi (phía trước Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM), triển lãm chủ đề “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam-Vững vàng tiến bước” nêu bật thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cùng các công trình tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và thành tựu chung của cả nước.
Còn tại đường Đồng Khởi (đối diện Công viên Chi Lăng) trưng bày hình ảnh chủ đề “Sức trẻ TPHCM - Vang mãi tinh thần Nam Bộ kháng chiến” giới thiệu các gương điển hình thanh niên trong học tập, lao động, chiến đấu, công dân trẻ tiêu biểu của thành phố, các hoạt động xã hội, chiến dịch thanh niên xung kích, tình nguyện góp sức phục vụ cộng đồng, những giải pháp, sáng kiến cụ thể trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị thông minh… góp phần vào sự phát triển bền vững của TPHCM.
Các triển lãm diễn ra đến ngày 30/9.