Khai thác du lịch từ rừng - nguồn tài chính bền vững còn bỏ ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Du lịch sinh thái từ rừng đang cần gỡ những nút thắt để có thể đem đến trải nghiệm, tình yêu thiên nhiên cho du khách vừa mang đến nguồn tài chính bền vững cho những người đang bảo vệ rừng.
Ông Lương Quốc Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà giới thiệu một cây thông 2 lá non chỉ sống được ở Cổng Trời. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN.
Ông Lương Quốc Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà giới thiệu một cây thông 2 lá non chỉ sống được ở Cổng Trời. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN.

Cùng với việc phải bảo vệ rừng, bảo tồn tài nguyên rừng, nhất là ở các vườn quốc gia thì việc khai thác giá trị từ rừng để tạo thu nhập cho người giữ rừng cũng như 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng là điều cần thiết.

Du lịch sinh thái từ rừng đang cần gỡ những nút thắt để có thể đem đến trải nghiệm, tình yêu thiên nhiên cho du khách vừa mang đến nguồn tài chính bền vững cho những người đang bảo vệ rừng.

Đam mê nhiệt huyết với rừng, anh Kơ Să En Luy, dân tộc K’Ho là người trẻ nhất xin vào làm hướng dẫn du lịch của Trung tâm Du lịch Sinh thái và Giáo dục Môi trường-Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà từ năm 2015.

Với anh Kơ Să En Luy, mỗi lần được hướng dẫn du khách là anh lại được truyền bá văn hóa, các câu chuyện của đồng bào mình, những cây rừng nghìn tuổi, những đám rêu phong phủ khắp trên các cây rừng mà thiên nhiên nơi đây ban tặng.

Anh cũng có cơ hội truyền thụ các kiến thức, tình yêu về bảo tồn thiên nhiên cho các lớp trẻ, để qua đó họ hiểu biết thêm, ý thức hơn về bảo vệ môi trường, bảo vệ các cánh rừng tự nhiên.

“Với cư dân ở đây, các cây lớn chính là nơi cư trú của các vị thần, nên họ sẽ không bao giờ xâm hại. Rừng được xem là cội nguồn của văn hóa nơi nơi đây. Nếu rừng mất đi, văn hóa của chúng tôi sẽ không còn,” anh Kơ Să En Luy chia sẻ.

Hướng dẫn viên du lịch là một trong số rất nhiều công việc nếu du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà phát triển.

Với anh Kơ Să En Luy và những người dân tộc bản địa quanh Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà cuộc sống luôn gắn bó với rừng. Anh cảm ơn những vị thần rừng đã luôn cung cấp mọi thứ cho người dân nơi đây.

Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà được ghép từ tên hai ngọn núi cao nhất vùng Bidoup và Núi Bà (Langbiang), có thể ví như “xứ sở thần tiên” của vùng cao nguyên, vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Liang Biang được công nhận năm 2015.

Toàn bộ vườn nằm trong vị trí trung tâm của một hành lang đa dạng sinh học quan trọng là cả khu rừng tự nhiên liền kề rộng lớn nhất còn sót lại tại Việt Nam với diện tích xấp xỉ 400.000ha.

Bidoup Núi Bà là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam và là một trong những vùng chim quan trọng của thế giới.

Ngoài ra, đây cũng là khu vực đa dạng thứ hai ở Việt Nam về các loài hạt trần và là khu vực ưu tiên số 1 trong chương trình bảo tồn dãy Trường Sơn.

Thế nhưng, 9 tháng năm 2023, lượng khách du lịch đến vườn mới khoảng 6.000 lượt, dù đã tăng 10,35% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn Vườn Quốc gia Cúc Phương đã được Tổ chức World Travel Awards (WTA) vinh danh Vườn quốc gia hàng đầu châu Á với 5 lần liên tiếp. Song vườn này mỗi năm cũng chỉ thu hút được khoảng 120.000 lượt du khách mỗi năm. Con số này thấp hơn nhiều so với con số 700.000 lượt du khách Vườn Quốc gia Doi Inthanon của Thái Lan có được và đây cũng là vườn cũng chưa được WTA vinh danh.

Hiện các vườn quốc gia đang chủ yếu tự mày mò, sáng tạo các tour tuyến du lịch trong vườn để thu hút du khách. Nhưng việc tự tìm đường đi này cũng gây áp lực không kém cho các vườn khi đồng thời phải bảo tồn, phải giữ được sự đa dạng sinh học của vườn vốn có.

Theo ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ, Vườn Quốc gia Cúc Phương, nguồn Ngân sách Nhà nước cho hoạt động du lịch không có. Để đầu tư hạ tầng, dịch vụ nhằm thu hút du khách, vườn phải tự cân đối từ nguồn thu. Chưa kể khi chưa có được lượng du khách tốt, nguồn thu thấp, việc trả lương cho người lao động cũng không cao. Do đó, việc thu hút lao động chất lượng cao làm các công việc liên quan đến du lịch rất khó.

Sở hữu hệ đa dạng động thực vật lớn, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, Lâm Đồng mong muốn sự đa dạng sinh học của vườn đến cộng đồng nhiều hơn. Với ông nếu chỉ nghiên cứu, bảo tồn đa dạng học mà không đưa đến được cộng đồng thì nghiên cứu cũng không tạo ra những giá trị đích thực. Qua trải nghiệm, chứng kiến, hiểu về thiên nhiên, sự đa dạng sinh học của núi rừng để con người thêm yêu, bảo vệ thiên nhiên hơn. Phát triển của du lịch sinh thái ở Bidoup-Núi Bà nói riêng và các vườn quốc gia nói chung cần được phát huy giá trị của nó.

Theo ông Lê Văn Hương, du lịch trải nghiệm dựa vào đa dạng sinh học bắt buộc phải tuân thủ quy định pháp luật hiện nay. Phát triển du lịch ở trong các vườn quốc gia không cho thuê rừng để làm du lịch mà chỉ cho thuê môi trường rừng để làm du lịch. Vườn cung cấp những dịch vụ diễn giải, giới thiệu với các du khách những câu chuyện của rừng và đưa du khách đến cội nguồn thiên nhiên đó. Còn việc kinh doanh du lịch cần có sự cộng tác của doanh nghiệp.

Để phát triển loại hình du lịch này với vườn, theo ông Hương, khó khăn lớn nhất là đề án du lịch sinh thái và phương án quản lý rừng bền vững chưa được phê duyệt. Để phê duyệt đề án, phương án này lại liên quan đến quy hoạch tỉnh, quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất. Do đó, tất cả các bên liên quan, các nhà quản lý từ Trung ương tới địa phương cần đẩy nhanh tiến trình này để có hành lang pháp lý thì hoạt động du lịch sinh thái sẽ được phát triển.

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Quản lý Rừng Bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (VFBC), hiện Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp đang hỗ trợ 11 địa phương cùng 3 vườn quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.

Bên cạnh việc cải thiện chất lượng, đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng rừng có giá trị bảo tồn cao, bảo vệ động vật hoang dã… dự án cũng đào tạo về kỹ năng diễn giải môi trường cho vườn quốc gia và cộng đồng tham gia vào du lịch sinh thái và giáo dục môi trường; xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch trọng điểm để thu hút nhiều du khách và hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cục Lâm nghiệp cũng đang chủ trì tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển Giá trị đa dụng của Hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình ban hành trong năm 2023 với nhiều mục tiêu; trong đó là phát huy cái giá trị đa dụng của rừng qua du lịch sinh thái.

Ông Hương kỳ vọng nếu đề án được ban hành sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cùng với Bidoup-Núi Bà cũng như các vườn quốc gia khác đưa những giá trị đa dạng sinh học của rừng đến với du khách và cộng đồng.

Theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, phát triển du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia sẽ tạo nguồn lực rất đáng kể để cải thiện sinh kế cho những người dân, đặc biệt sống ven rừng, vùng đệm của các khu rừng. Đây cũng là một nguồn tài chính bền vững để phục vụ các hoạt động của ban quản lý, cán bộ trực tiếp bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái rừng.

Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.