Niềm vui ngày giãn cách
Giữa những ngày cao điểm của đợt dịch thứ tư, Xuân Lan (Hà Nội) quyết định lên dây cót tinh thần bằng cách coi dịp nghỉ như cơ hội để “sống chậm” cùng gia đình. Đồng thời, Lan tập trung vào thú vui trang trí roombox (mô hình phòng thu nhỏ), niềm đam mê to lớn của bản thân.
Xuân Lan và mô hình roombox căn bếp theo tỉ lệ 1:16. |
Thông thường, với mỗi phiên bản về căn bếp hiện đại hay phòng trẻ tí hon, Xuân Lan phải mất vài ngày trang trí, bày biện mới ra được kiểu cách như dự tính. Những tấm ảnh chụp các góc đẹp nhất của sản phẩm sau đó được Lan đăng tải trên mạng xã hội, nhận về nhiều lời khen và sự ngưỡng mộ của những người xung quanh.
Xuân Lan chia sẻ, từ khi còn bé, bản thân đã thích tỉ mẩn làm đồ handmade tặng bạn bè và người thân. Lớn lên, có điều kiện đi đây đi đó, đặc biệt trong chuyến đi Nhật vào năm 2010, Xuân Lan lạc bước vào một quầy hàng chuyên bán mô hình thu nhỏ đẹp mắt của đất nước này và biết tới miniature từ đó.
Nhưng phải đến cuối năm 2018, sau một lần được bạn bè giới thiệu về Re-Ment, hãng đồ chơi chuyên sản xuất những set đồ thu nhỏ nổi tiếng tại Nhật, Lan mới chính thức “mê” và bắt tay vào việc sưu tầm.
Căn bếp mini từng khiến nhiều người ngỡ là “hàng thật” của Lan. |
Do Re-Ment chưa có đại lý ở Việt Nam, nên để sở hữu những set đồ hay bộ kit đúng ý, Xuân Lan thường phải nhờ người bạn ở Nhật mua hộ, rồi gom hàng chục set mới chuyển về nước một lần. Những ngày nhận kiện hàng nặng tay đề địa chỉ ở xứ sở hoa anh đào, trong Lan ngập tràn niềm vui cũng như sự háo hức. "Lúc ấy thì chỉ muốn nhanh nhanh giải quyết hết công việc, để có thời gian “đập hộp”, khám phá từng cái bọc nhỏ chứa đầy sự dễ thương mà thôi”, Lan nhớ lại.
Những set đồ chơi thu nhỏ của Re-Ment được Lan cất hộp cẩn thận khi chưa bày đến. |
Những set đồ chơi bé xíu sau khi được mở, nếu chưa dùng để trang trí, sẽ được Xuân Lan cẩn thận cất trong hộp nhựa chuyên dụng, phân loại ngăn nắp theo chủ đề. Mỗi lần đắm chìm vào thế giới miniature, Xuân Lan cho biết mình có thể “thức thông đêm để chơi đồ hàng, lên kế hoạch làm cái này cái kia mà không biết mệt, biết chán”.
Môn nghệ thuật đến từ thiên niên kỷ thứ ba
Xuân Lan là một trong số hàng ngàn người thuộc cộng đồng chơi và sưu tầm các mô hình thu nhỏ đang ngày càng phát triển tại Việt Nam.
Hình thái của thú chơi này biến đổi linh hoạt từ những ngôi nhà búp bê (dollhouse) cổ điển, những roombox hiện đại, những bộ sưu tập xe mini hầm hố cho tới các mô hình thủ công bằng tăm tre mộc mạc. Tất cả đều là những phân nhánh của nghệ thuật thu nhỏ (miniature art) trên thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật thu nhỏ có lịch sử phổ biến được xác định muộn nhất kể từ thời Trung Cổ. Ý tưởng về các bản chép tay thu nhỏ, bên trong chứa đầy tiểu họa và các chi tiết trang trí khéo léo, cho phép những cuốn kinh có thể dễ dàng mang theo người, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực truyền bá thông điệp Phúc Âm ở châu Âu.
Những “bản thảo chiếu sáng” (illuminated manuscript) được coi là nguồn gốc của nghệ thuật thu nhỏ tại lục địa già. Ảnh: Wordpress. |
Ở phần còn lại của thế giới, những dấu chỉ xa xôi hơn về một nền nghệ thuật của các tác phẩm thu nhỏ được phát hiện từ thiên niên kỷ thứ ba, trong các nền văn minh lớn như Ai Cập, Trung Quốc và Lưỡng Hà.
Nguồn gốc Latin của "miniature" không liên quan đến kích thước của tác phẩm, mà có nghĩa là sắc tố đỏ. Tại Ý trong thời kỳ Trung Cổ, sự kết hợp của các bức tiểu họa và nét vẽ trang trí trong bản thảo chiếu sáng với màu đỏ mạnh mẽ đến mức ý nghĩa của từ "miniare" đã được mở rộng theo hướng "trang trí một bản thảo bằng kỹ thuật vẽ thu nhỏ". Sau từ này được vay mượn trong tiếng Anh vào cuối thế kỷ 16 và trở thành "miniature" mang nghĩa thu nhỏ phổ biến hiện tại.
Tại Việt Nam, những cuộc khai quật được Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) thực hiện vào đầu thế kỷ 20 cũng làm phát lộ những mô hình kiến trúc thu nhỏ, được tạo tác tinh xảo bằng đất nung trong thời Bắc thuộc từ năm 207 TCN - 905 CN. Ngoài ra, một nhóm tượng tiên nữ, linh thú kích thước nhỏ cũng được tìm thấy rải rác trong các di chỉ của thời kỳ Tự chủ sau này.
Mô hình nhà bằng đất nung niên đại thế kỷ 1-3 được khai quật ở Cầu Giấy, Hà Nội năm 1936. Ảnh: Reds.vn. |
Ban đầu, nghệ thuật thu nhỏ chủ yếu dành cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội cũ, với những ứng dụng về giáo dục, tôn giáo và quân sự. Nhưng ở hiện tại, môn nghệ thuật này ngày càng trở nên phổ biến, tiếp cận sâu hơn tới quảng đại quần chúng. Bên cạnh những tác phẩm được các nhà đấu giá danh tiếng định giá cao, hiệu ứng thu nhỏ còn được áp dụng với những hình thức phổ thông hơn như: đồ chơi, đồ thủ công mỹ nghệ, trò chơi điện tử và nhiếp ảnh.
Theo những người chơi mô hình thu nhỏ lâu năm tại Việt Nam, thú chơi này du nhập vào nước ta cách đây hơn chục năm theo con đường của những du học sinh tại Nhật Bản và Mỹ. Nhưng phải đến giai đoạn 2013 - 2014, cộng đồng miniature Việt mới thực sự hình thành, xuất hiện nhiều hội nhóm với định hướng rõ ràng cho người chơi và sưu tầm.
Trước đó, báo Khai hóa số 1 năm 1921 từng đưa tin về những sạp đồ chơi Trung thu bày bán các mô hình làm bằng sắt tây tại phố Hàng Gai, Hà Nội như châu chấu, thỏ đánh trống, con bướm có cánh vẫy, tàu thủy làm bằng sắt tây sơn màu. Cùng với đồ chơi dân gian là phỗng đất, tò he, những sản phẩm này cho thấy nghệ nhân Việt sớm có tư duy về đồ thủ công thu nhỏ, trước khi khái niệm miniature được du nhập vào nước ta.
Đồ chơi thu nhỏ được bày bán trong dịp Trung thu năm 1926 tại Hà Nội. Ảnh: EFEO. |
Đồ chơi của mọi lứa tuổi
Nếu nhìn qua những roombox, dollhouse, những bộ sưu tầm tí hon, người xem dễ có cảm tưởng thú chơi này chỉ dành cho trẻ em hoặc lứa tuổi vị thành niên. Trên thực tế, lực lượng tiêu thụ sản phẩm miniature từ các thương hiệu đồ chơi trên thế giới đa phần lại là... người lớn.
Miniature không chỉ được nâng tầm bằng những set đồ tinh xảo, đôi khi rất đắt đỏ mà chính trong cộng đồng người chơi loại hình này còn có sự phân hệ, tạo ra nhiều xu hướng dựa trên sở thích và nhu cầu khác nhau.
Những người khéo léo, ưa thích việc cắt dán, cưa đục, nhào nặn để biến những tấm carton, mạt cưa tầm thường trở thành những mô hình phức tạp, đáng trầm trồ, thuộc về hệ chơi DIY (Do if yourself), hay còn được biết tới với tên gọi hệ “tự mình làm lấy”.
Một mô hình được thực hiện theo phong cách DIY. Ảnh: Cửa hiệu số 3. |
Những người yêu thích các set đồ tinh xảo, "đặc sản" của các hãng sản xuất tại Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, thường theo hướng sưu tầm, bày trí những roombox, dollhouse có sẵn, nhằm khoe được gout nội thất và con mắt thẩm mỹ của mình.
Song hành với hai hệ trên, cũng có những người thuộc vào hệ "pha trộn", nghĩa là vừa tự tay sáng tạo nên mô hình, vừa tìm mua, sưu tập những phụ kiện thu nhỏ như: đồ bếp, đồ gia dụng, nội thất.
Nguyễn Nam Long (26 tuổi, Hải Phòng) người chơi miniature hệ pha trộn cho biết hiện tại những người có cùng cách chơi như cậu đang chiếm phần lớn trong cộng đồng miniature Việt Nam. "Một khi đã đam mê thú chơi này, rất khó kìm lại ở mức chỉ sưu tập hoặc tự mình làm hết. Hơn nữa, thị trường trong nước đang đáp ứng khá đa dạng nhu cầu của người chơi như mình với giá thành từ rẻ bèo đến đắt xắt ra miếng”, Nam Long nói.
Còn theo Nguyễn Thụy Thảo Nguyên, một cô gái cũng có niềm đam mê với miniature tại TPHCM: “Nếu mới chơi và chưa được quen tay lắm thì có thể ráp theo các mẫu có sẵn mua ở Thế giới tí hon. Mình cũng sử dụng những mẫu này rồi sau đó tùy chế một chút để mô hình thêm sinh động. Về nguyên liệu, người chơi có thể tìm mua bìa, gỗ, đất sét, keo, nguồn điện, bóng đèn trên Facebook hoặc các trang thương mại điện tử".
Một mô hình mang đậm dấu ấn của thời kỳ bao cấp do Thảo Nguyên thực hiện. |
Hiện tại ở Việt Nam chỉ có Thế giới tí hon là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất xuất hiện trong lĩnh vực sản xuất các bộ kit dành cho mô hình thu nhỏ. Theo anh Nguyễn Phúc Đức, người sáng lập hệ thống Thế giới tí hon, hiện tại công ty đang cung cấp hơn 60 mô hình ra thị trường. Những sản phẩm này đa phần mang chủ đề về ký ức miền Nam, những cửa hàng, cửa hiệu, xe hàng rong, chung cư cũ ở Sài Gòn, rạp hát, rạp ca cải lương và cảnh làng quê miền Tây sông nước.
Anh Phúc Đức bên những mô hình của Thế giới tí hon. |
Hiện tại, với mức tiền dao động từ 79.000 đến 400.000 đồng, người chơi có thể sở hữu một mô hình thu nhỏ của Thế giới tí hon tùy theo chủ đề yêu thích. Bên trong mỗi hộp sản phẩm là đầy đủ nguyên liệu, các chi tiết được gia công cắt gọt đúng tỉ lệ cùng sách hướng dẫn để người chơi ráp nên một mô hình thu nhỏ hoàn chỉnh.
Lược sử về nghệ thuật thu nhỏ trên thế giới: - Thiên niên kỷ thứ ba TCN: Người Ai Cập cổ đại cất giữ các mô hình nhỏ về đồ đạc, người hầu, tàu thuyền và gia súc trong những ngôi mộ của họ để đảm bảo sự thoải mái ở thế giới bên kia. - Thiên niên kỷ thứ nhất TCN: Tượng người hầu và mô hình kiến trúc thu nhỏ xuất hiện trong các mộ cổ thời Hán. - Thế kỷ 9 – 10: Xuất hiện những bức tiểu họa (chân dung thu nhỏ) sớm nhất với đề tài Phật giáo và Hindu giáo từ lục địa Ấn Độ. - Thế kỷ 15: Các họa sĩ như Jean Fouquet bắt đầu vẽ những bức tiểu họa có chiều ngang chỉ khoảng 7,5 cm. - Thế kỷ 17: Một trung tâm sản xuất những ngôi nhà búp bê thời kỳ đầu ở Nuremberg, Đức đã chế tạo những mô hình nhà thu nhỏ với nội thất tinh xảo để dạy các bé gái tầng lớp thượng lưu cách quản lý nhà cửa. - Thế kỷ 18 : Các gia đình giàu có tại Anh giao cho thợ mộc tạo ra những bản sao thu nhỏ từ ngôi nhà xa hoa của họ. Những mô hình này được gọi là Baby House, có nội thất tương ứng với những món đồ gia chủ sở hữu trong thực tế. - Năm 1851: Để du khách có thể tham quan toàn bộ thế giới tại một thời điểm và địa điểm, Cung điện Pha lê tại Hội chợ Thế giới London đã trưng bày một loạt các tiểu cảnh từ bản sao nhà cửa tại các thành phố lớn đến mô hình của Thác Niagara và bến tàu ở Liverpool. - Năm 1928: Nữ minh tinh người Mỹ Colleen Moore xây dựng một lâu đài thu nhỏ phức tạp, sau đó tổ chức chuyến đi vòng quanh nước Mỹ cùng mô hình này để quyên tiền cho các tổ chức từ thiện dành cho trẻ em. - Những năm 1950: Anne Ashberry, một chủ sở hữu vườn ươm ở Essex, Anh, tạo ra những khu vườn thu nhỏ đầu tiên được biết đến trên thế giới. - Những năm 1970: Nhiếp ảnh gia người Mỹ Laurie Simmons trở nên nổi tiếng với các bức ảnh đen trắng về nhà búp bê. - Năm 1998: Re-Ment, công ty sản xuất đồ chơi miniature nổi tiếng nhất thế giới ra đời tại Nhật Bản. - Năm 2010: Marcel the Shell With Shoes On, một bộ phim ngắn của Jenny Slate và Dean Fleischer-Camp kể về một chú ốc sên nhỏ bé được trao giải Phim hoạt hình ngắn hay nhất tại AFI Awards. - 2016 : Tiny Café, cửa hàng đầu tiên trên thế giới phục vụ các phiên bản bánh mini (ăn được) mở cửa tại New York, Mỹ. |