Cuối năm 2021, đường sắt Cát Linh-Hà Đông chính thức đi vào hoạt động tại Thủ đô, đánh dấu tròn 10 năm đợi chờ của người dân Hà Nội. Loại hình phương tiện mới mẻ được đánh dấu là một bước phát triển mới của nền giao thông thủ đô, đồng thời được hy vọng sẽ đem đến sự thuận tiện đi lại cho người dân, bao gồm những người mù và khuyết tật trên địa bàn.
Trao đổi với Ngày nay sau buổi khảo sát, anh Trường đã có những chia sẻ về trải nghiệm của mình khi sử dụng đường sắt trên không với tư cách một người mù. Anh đánh giá bước khởi đầu này là đúng, nhưng chưa đủ, và có những chi tiết mà người sáng mắt "chưa, hoặc không để ý", có thể cải thiện hơn để đem đến những phúc lợi tốt nhất dành cho người mù.
Theo anh Trường, hiện tại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có sử dụng gạch chỉ đường dành cho người mù ở lối lên thang máy, thang cuốn, cũng như hướng dẫn đi đến khu vực vệ sinh, khu vực mua vé. Gạch chỉ đường của nhà thầu Trung Quốc về cơ bản tuân theo những quy tắc chung và có chất lượng tương đối ổn. Tuy nhiên, anh cho biết, hiện tại gạch dẫn đường này chỉ giúp người mù đến được quầy bán vé, nhưng không cho biết hướng đi ra cửa ga. "Nếu lúc này yêu cầu sự trợ giúp từ phía nhân viên nhà ga, tôi cho rằng họ sẽ sẵn lòng giúp đỡ, nhưng thiết nghĩ, ở những tuyến đường mới, cấp quản lý có thể lưu ý bổ sung những mốc định hướng quan trọng, sẽ khiến chúng tôi chủ động hơn trong việc đi lại."
Anh Trường sử dụng gậy trắng chủ động di chuyển trong ga tàu. |
Các biển chỉ đường trong ga cần có thêm những mốc quan trọng. |
Biển chỉ đường cho phép người mù tiếp cận khu vực vệ sinh. |
Về cách thức mua vé, anh Trường cho biết hiện tại tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa có phương án tiếp cận máy bán vé tự động dành cho những người như anh. Với kinh nghiệm từng sử dụng giao thông cộng cộng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, anh cho biết: "Máy bán vé tự động ở nước bạn sẽ có phần hỗ trợ âm thanh tích hợp màn hình cảm ứng, giúp tôi có thể chủ động mua vé. Máy bán vé của họ thường thiết lập hai thứ tiếng, ngôn ngữ địa phương và ngôn ngữ tiếng Anh, dành cho khách du lịch như tôi."
Theo anh Trường, đây là điều mà người sáng mắt biết, nhưng thường không chú ý đến: "Các bạn nghe thấy những lời chỉ dẫn tại máy tự động hoặc chỉ dẫn đi lại trong nhà ga, có thể sẽ không hề chú ý, hoặc cho rằng là thừa thãi. Ví dụ như khi có âm thanh hướng dẫn 'đi lên cầu thang, xong rẽ trái thì sẽ đến cửa tàu', người sáng mắt có thể cho rằng không cần thiết, nhưng điều này lại vô cùng quan trọng với chúng tôi."
Anh cũng cho biết thêm, những phần mềm hỗ trợ âm thanh - đọc màn hình - có thể giúp người mù có thể sử dụng điện thoại thông minh (gọi điện, nhắn tin, ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook) hay sử dụng máy tính (gõ văn bản, viết code) một cách tương đối thuận lợi: "Như hiện tại, tôi có thể sử dụng điện thoại hay máy tính dễ dàng, vì tôi cũng đang viết báo và biên soạn những hướng dẫn phục hồi chức năng dành cho người mù."
Ngoài ra, anh Trường đánh giá thời gian mở và đóng cửa tàu khá nhanh và "khó cho người mù nếu muốn tự mình di chuyển lên tàu". Anh cũng đưa ra so sánh với các tuyến xe buýt và BRT, những phương tiện này có người quan sát và chủ động kiểm soát việc đóng, mở cửa nên người mù có thể sử dụng dễ hơn đường sắt.
Trên tàu, hiện phần ghế màu vàng được chỉ định là ghế ưu tiên dành riêng cho đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân và người khuyết tật, được bố trí gần cửa lên tàu. |
Về kế hoạch tập huấn sắp tới, anh Trường dự kiến tổ chức một buổi tập huấn vào ngày 23.2.2021 tại ga Yên Nghĩa, với các nội dung như kỹ thuật lên xuống cầu thang, kỹ thuật đi thang máy, kỹ thuật lên xuống tàu, và kết hợp cả di chuyển bằng BRT dành cho người mù. Đoàn tập huấn dự kiến có sự tham gủa của 30 người mù và 10 người hỗ trợ, bao gồm nhân viên y tế.
Trước khi thực hiện, đoàn sẽ gửi công văn yêu cầu hỗ trợ đến ban quản lý đường sắt, nhằm tìm thời gian phù hợp để tiến hành tập huấn "nguội", theo đó đoàn sẽ xin phép được sử dụng một đoàn tàu không hoạt động (để kiểm tra máy móc thiết bị) trong thời gian 15-20 phút cho nội dung "kỹ thuật đi tàu".
Anh Trường đánh giá: "Nếu giúp đỡ người mù có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, chủ động đi lại thì người mù sẽ tự tin hơn trong tiếp cận việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tăng tính chủ động trong công việc cũng như chăm sóc bản thân."
Anh cho biết thêm, số lượng người mù tại các thành phố có thể chủ động tham gia tất cả mọi loại hình phương tiện giao thông công cộng hiện chỉ chiếm khoảng 20%.