Trên các chuyến tàu điện khắp đất nước Nhật Bản, không khó để bắt gặp hình ảnh những em nhỏ, đi một mình hoặc theo nhóm, trật tự xếp hàng lên tàu, nhanh nhẹn tìm chỗ ngồi.
Học sinh Nhật Bản thường đi tất gối và giày da bệt, bận áo len kẻ sọc, cùng những chiếc mũ rộng vành được buộc chặt dưới cằm và thẻ lên tàu được ghim vào ba lô. Những đứa trẻ chỉ mới 6 -7 tuổi, dù là trên đường tới trường hay về nhà, vẫn rất tự tin như có cha mẹ dõi theo.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được bố mẹ cho cơ hội tự khám phá thế giới xung quanh. Một chương trình truyền hình có tên “Hajimete no Otsukai” (“Việc vặt đầu tiên của tôi”) đã ghi lại hành trình của các em bé từ 3-5 tuổi đi làm việc vặt cho gia đình. Chương trình phát sóng suốt hơn 25 năm và trở nên hết sức phổ biến tại đất nước mặt trời mọc.
Học sinh tiểu học đợi trên vỉa hè trước khi có tình nguyện viên dẫn qua đường. |
Kaito, một bé trai 12 tuổi ở Tokyo, đã tự mình di chuyển bằng tàu điện tới nhà cha hoặc mẹ đẻ, bởi bố mẹ cậu bé đã ly dị từ khi cậu 9 tuổi. “Lúc đầu cháu có chút lo lắng rằng liệu mình có dám tự đi tàu điện một mình hay không. Nhưng đó chỉ là một chút lo lắng khi bắt đầu, bây giờ mọi chuyện đã vô cùng dễ dàng” - Kaito chia sẻ.
Ban đầu cha mẹ Kaito cũng rất e ngại khi để con tự đi, nhưng sau đó họ hiểu con mình phải được tự lập như bao đứa trẻ khác thường xuyên đi tàu điện một mình.
“Lý do tôi để con tự đi là bởi tàu điện là phương tiện hết sức an toàn, đúng giờ và dễ kiểm soát lộ trình, ngoài ra Kaito là một đứa trẻ hết sức lanh lợi và hoạt bát”, mẹ kế của Kaito cho biết.
“Chính tôi đã tự đi tàu ở Tokyo khi còn nhỏ hơn thằng bé. Hồi đó chúng tôi chưa có điện thoại di động như bây giờ. Nhưng tôi cũng tự mình lập lộ trình cần phải đi. Nếu bị lạc, thằng bé có thể gọi ngay cho chúng tôi” - người phụ nữ nói.
Điều gì lý giải cho tính tự lập bất thường này? Trên thực tế, điều này không bắt nguồn từ sự tự giác mà là sự tín nhiệm cộng đồng - theo ông Dwayne Dixon, một nhân chủng học văn hóa, người đã viết luận án tiến sĩ về đề tài thanh niên Nhật Bản. “Trẻ em Nhật Bản đều sớm được học được điều căn bản này, lý tưởng nhất là bất kỳ thành viên nào trong xã hội cũng có thể kêu gọi để phục vụ hoặc giúp đỡ người khác” - ông Dixon nói.
Điều này thể hiện rõ qua các hoạt động tại trường lớp, học sinh từ mầm non đến tiểu học thay phiên nhau dọn dẹp và phục vụ bữa trưa thay vì dựa vào nhân viên tạp vụ của trường. Điều này giúp trẻ tham gia vào các công việc chung, đồng thời dạy cho trẻ những kiến thức căn bản và cần thiết nhất, ví dụ như cách làm sạch nhà vệ sinh hay cách sắp xếp thức ăn ngay ngắn, gọn gàng.
Chịu trách nhiệm trong công việc chung có nghĩa là trẻ em có niềm tự hào về quyền sở hữu và hiểu biết một cách cụ thể hậu quả của việc gây ra sự lộn xộn, vì chúng sẽ phải tự dọn dẹp. Không gian lớp học từ đó nhân ra thành không gian chung, điều này vô cùng ý nghĩa khi người dân Nhật luôn có ý thức giữ gìn không gian công cộng, điển hình là giữ gìn vệ sinh đường phố. Một đứa trẻ ở nơi công cộng biết rằng nó có thể tự tin kêu gọi người khác giúp đỡ mình trong trường hợp khó khăn.
Tại các ngã tư, luôn có những người giám sát để đảm bảo cho học sinh băng qua đường an toàn. |
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ tội phạm rất thấp, đó chắc chắn là lý do chính khiến nhiều phụ huynh cảm thấy tự tin khi để con trẻ ra ngoài một mình. Không gian đô thị quy mô nhỏ, văn hóa đi bộ cùng sự tiện lợi của các loại phương tiện công cộng đã góp phần củng cố sự an toàn trong xã hội.
“Không gian công cộng tại Nhật Bản rất lý tưởng để dễ dàng kiểm soát tốc độ và lưu lượng phương tiện giao thông” - ông Dixon nghiên cứu. Ở các thành phố của Nhật Bản, mọi người đã quen với việc đi bộ và giao thông công cộng phần nào đó lấn át văn hóa xe hơi. Tại Tokyo, một nửa người dân chọn cách di chuyển bằng tàu điện hoặc xe buýt, và khoảng ¼ dân số tự đi bộ đi học, đi làm. Các tài xế cũng luôn có thói quen nhường đường cho người đi bộ và người đi xe đạp.
Mẹ kế của Kaito chia sẻ, bà sẽ chỉ để con mình tự đi tàu điện ở Tokyo thay vì các thành phố lớn khác như London hay New York. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là trẻ em thực sự an toàn khi tự mình đi lại ở Nhật Bản.
Vào ngày 28/5 vừa qua, một người đàn ông tại thành phố Kawasaki đã thủ sẵn hai con dao dài xông vào đâm 17 nữ sinh của trường Công giáo Caritas và 2 người lớn tại trạm xe buýt. Vụ tấn công dã man đã khiến một nữ sinh 11 tuổi và một người đàn ông 39 tuổi (phụ huynh của một học sinh) thiệt mạng, hung thủ Ryuichi Iwasaki sau đó đã tự sát bằng dao.
“Đó là một khu phố rất an toàn” - ông Toki Kudo, chủ sở hữu của một văn phòng bất động sản gần nơi xảy ra vụ việc - cho biết. “Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố này, và tôi chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ tội ác nào như thế”. Ông Kudo, 37 tuổi, cho biết mình thường để con trai 8 tuổi đến trường một mình bằng tàu điện và xe buýt mỗi ngày. “Tôi không thể tưởng tượng được những gì các bậc phụ huynh có con bị tấn công đang phải trải qua”. Phó Hiệu trưởng Satoru Shitori cho biết ông có mặt tại trạm xe buýt vào sáng hôm đó như mọi ngày để đón học sinh từ ga tàu trước khi lên xe buýt của nhà trường. Khoảng 70 học sinh, hầu hết trong số họ đã được một giáo viên hộ tống từ ga tàu, đang đứng xếp hàng. Ông Shitori cho biết khi vừa giúp khoảng 6 học sinh lên xe buýt thì bất chợt nghe tiếng la hét phát ra từ phía sau và thấy kẻ thủ ác dùng dao đâm chém các nữ sinh.
Tài xế xe buýt ngay sau đó đã xuống xe để đuổi theo kẻ tấn công, còn ông Shitori quay sang giúp đỡ những người bị thương và gọi cảnh sát.
Phía cảnh sát cho biết không rõ động cơ gây án của hung thủ Iwasaki, nhưng theo điều tra ban đầu, người đàn ông 51 tuổi này khi đó đang trong tình trạng thất nghiệp và có mâu thuẫn với người dân trong khu phố.
Một vụ án nghiêm trọng khác xảy ra tại tỉnh Chiba của Nhật Bản, nạn nhân là bé Lê Thị Nhật Linh (9 tuổi) được gia đình trình báo mất tích vào ngày 24/3/2017 khi đang trên đường đến trường. Hai ngày sau, cảnh sát phát hiện thi thể của bé Linh tại một mương nước ở thành phố Abiko, cách nhà khoảng 10km.
Một bé gái tự đi học với balo có biểu tượng dành riêng cho học sinh tiểu học. |
Các nhà chức trách Nhật Bản vào ngày 14/4/2017 đã tiến hành bắt giữ nghi phạm Yasumasa Shibuya (46 tuổi), người được cho là đã âm mưu bắt cóc, hiếp dâm và sát hại bé Nhật Linh. Các mẫu ADN của người đàn ông này đã được tìm thấy trên thi thể nạn nhân, trong khi đó cảnh sát phát hiện được mẫu máu và nước bọt của bé gái trên xe ô tô của Shibuya. “Cú sốc và sự hoang mang mà bị cáo gây ra cho hệ thống trường học và xã hội là không thể tưởng tượng được” - thẩm phán Toshiro Nohara nói khi đưa ra phán quyết chung thân đối với Shibuya.
Tại trường tiểu học của bé Linh, Shibuya - chủ tịch hội phụ huynh và thành viên nhóm giám sát học sinh địa phương đến trường hàng ngày cho biết, ông ta rất tích cực tham gia hoạt động và tỏ ra quan tâm đến sự an toàn của trẻ nhỏ, nhưng từng dính cáo buộc về hành vi ấu dâm.
Cảnh sát cho rằng, thời gian nguy hiểm nhất đối với học sinh tiểu học là ngay sau khi tan trường. Đây là lý do tại sao các trường học luôn dặn các em học sinh không la cà trên đường về nhà.
Hầu hết các trường học ở Nhật Bản đều có những phụ huynh hoặc thầy cô đảm nhận nhiệm vụ giám sát hoặc hướng dẫn cho học sinh băng qua đường an toàn. Học sinh cũng được thầy cô dặn dò chỉ được đi trên một tuyến đường cố định. Quy tắc này có thể giúp cha mẹ tìm con nếu có điều không may xảy ra.
Những vụ việc kinh hoàng gần đâyn không phản ánh được bản chất thật của xã hội Nhật Bản và khiến các gia đình thay đổi cách giáo dục và chăm sóc con cái của họ. Cho tới hiện tại, rất nhiều trẻ em vẫn tự đi học và chạy việc vặt cho gia đình mà không cần sự giám sát của người lớn.
Bằng cách cho trẻ em sự tự do, các bậc phụ huynh Nhật Bản cho thấy họ không chỉ đặt niềm tin đáng kể vào con cái họ, mà còn là cả cộng đồng. “Rất nhiều trẻ em trên khắp thế giới vẫn có thể tự lập trong nhiều khía cạnh” - ông Dixon cho biết. “Nhưng lý do câu chuyện về tính tự lập của trẻ em Nhật Bản lại khiến thế giới thán phục là bởi xã hội này sẵn sàng đặt niềm tin và giúp đỡ với nhau một cách tự nguyện”.