Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện "Hành trình về miền Di sản - Thánh địa Phật giáo Trúc Lâm" tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện các nghi lễ dâng hương, cầu nguyện quốc thái dân an; đồng thời cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công đức to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua anh hùng của một triều đại anh hùng, người đã lãnh đạo quân dân nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ non sông bờ cõi Đại Việt. Ở trên đỉnh cao danh vọng, Ngài đã nhường ngôi cho con, chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp tu hành và đã hợp nhất các dòng thiền, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền thuần Việt, có tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời.
Chư tôn đức GHPGVN cùng các đại biểu tại lễ Tưởng niệm 712 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. |
Vào những năm cuối đời, Ngài đã về tu hành và lựa chọn Ngoạ Vân làm nơi hoá Phật vào ngày 1/11 Âm lịch năm 1308. Vì vậy, Ngoạ Vân được tôn vinh là “thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm. Lễ giỗ của Ngài giờ đây đã được GHPG Việt Nam xem là giỗ chung của các cơ sở phật giáo trong cả nước.
Sau các nghi lễ tưởng niệm, các đại biểu đã tiến hành lễ khởi công tu bổ, tôn tạo am – chùa Ngoạ Vân, di tích nằm trong quần thể di tích Ngoạ Vân, tương truyền là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông hoá phật.
Theo đó, việc tu bổ, tôn tạo sẽ tiến hành theo hướng quy hoạch lại toàn bộ không gian cảnh quan khu am với 3 phân khu: Bàn Cờ tiên, am tháp và khu phụ trợ. Việc tu bổ dựa trên điều kiện thực tế, với nguồn quỹ đất hiện có, tôn trọng hiện trạng địa hình và cảnh quan của khu di tích.
Cụ thể, bảo tồn, tôn tạo mặt bằng, cải tạo và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bàn Cờ tiên với khu am tháp. Bảo tồn, tôn tạo am Ngoạ Vân, đền Thiên Sơn, hai tháp Phật Hoàng và Đoan Nghiêm, tôn tạo nhà Tổ; cải tạo không gian hành lễ và hệ thống giao thông theo hướng phân tuyến và cải tạo cảnh quan khu vực. Công trình có dự toán tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa.