Những chủ nợ của Công ty Vạn Hương
Trong 2 năm 2021 và 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Công ty Vạn Hương) – chủ đầu tư Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (thành viên hệ sinh thái Geleximco) đã huy động 6 đợt Trái phiếu với tổng giá trị lên đến 5.094 tỉ đồng, tương đương hơn 50% tổng giá trị trái phiếu của hệ sinh thái Geleximco đã phát hành trong 2 năm gần nhất.
Trước đó, Công ty Vạn Hương cũng đã phát hành 3 đợt Trái phiếu có mã VANHUONG.BOND.2019, VANHUONG.BOND.2019.01, VANHUONG.BOND.2019.02 có giá trị phát hành lần lượt 970 tỉ đồng, 300 tỉ đồng và 670 tỉ đồng.
Như vậy, thông tin trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, hiện Công ty Vạn Hương đang có tổng số 9 lô Trái phiếu còn lưu hành với quy mô lên đến 7.034 tỉ đồng.
Trong đó, 5 lô Trái phiếu có mã từ DRGCH2126001 đến DRGCH2123005 được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất hình thành trong tương lai trên các ô, khu đất hoặc toàn bộ dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng. Ngoài ra, 1 trong số 5 lô trái phiếu này còn được đảm bảo bằng 25 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP An Bình (mã chứng khoán: ABB).
Lãi suất danh nghĩa của các lô trái phiếu dao động từ 9-9,8%. Còn lại lô trái phiếu DRGCH2226001 và 3 lô trái phiếu có mã VANHUONG.BOND.2019, VANHUONG.BOND.2019.01, VANHUONG.BOND.2019.02 không thể hiện các thông tin về lãi suất huy động và tài sản đảm bảo trên HNX.
Chưa kể, từ năm 2019 đến nay, Công ty Vạn Hương còn sử dụng các tài sản thuộc Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng để thế chấp tại các nhà băng bao gồm Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Tiên Phong.
Ngoài ra, trong năm 2022, Công ty Vạn Hương còn vay tín chấp CTCP Glexhomes 6.000 tỉ đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất không quá 8%/năm.
Lỗ chồng lỗ
Với vai trò là một doanh nghiệp phát triển dự án, nên Công ty Vạn Hương chưa ghi nhận doanh thu trong những năm qua. Song song với đó, nợ phải trả của doanh nghiệp phình to nhanh chóng.
Cụ thể, năm 2017, nợ phải trả Công ty Vạn Hương khoảng 163 tỉ đồng, giảm về 48 tỉ đồng năm 2018, tăng lên 1.156 tỉ đồng năm 2019, 2.266 tỉ đồng năm 2020 và 6.784 tỉ đồng năm 2021. Lưu ý rằng, năm 2021 cũng là năm doanh nghiệp này tích cực huy động vốn từ kênh Trái phiếu.
Như vậy, với 6.000 tỉ đồng vay nợ từ Glexhomes trong năm 2022, dự kiến nợ phải trả của Công ty Vạn Hương còn có thể tăng mạnh lên trong năm này.
Một điểm đáng chú ý, là lãi suất từ các đợt trái phiếu và vay tín chấp đều khá cao ở mức từ 8% đến 9,8%/năm, do vậy công ty Vạn Hương sẽ dành 1 khoản không nhỏ để trả chi phí lãi vay.
Trong bối cảnh chưa ghi nhận doanh thu, chi phí lãi vay là một trong những nguyên nhân khiến Công ty Vạn Hương lỗ sau thuế tại các kỳ báo cáo tài chính.
Đơn cử, năm 2017, Công ty Vạn Hương báo lãi sau thuế gần 800 triệu đồng, 0 đồng năm 2018, lỗ sau thuế gần 2 tỉ đồng năm 2019, lỗ hơn 6 tỉ đồng năm 2020 và lỗ tiếp 15 tỉ đồng năm 2021.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương được thành lập ngày 14/1/2010. Được biết, Du lịch Vạn Hương là chủ đầu tư dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, quy mô 480ha tại phường Vạn Hưng, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 25.000 tỷ đồng.
Cập nhật tại ngày 15/6/2021, vốn điều lệ Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương đạt 3.000 tỉ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Phạm Ngọc Tuân (SN 1969). Theo tìm hiểu, ông Tuân hiện đang là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã: SHN) - thành viên Tập đoàn Geleximco. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, ông giữ chức Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn đầu tư An Bình.