Theo Công an tỉnh Khánh Hòa, trưa 17/11, Trường iSchool Nha Trang (số 25 đường Hai Bà Trưng, TP. Nha Trang), tổ chức ăn bán trú cho học sinh tại căn tin của nhà trường. Đến tối cùng ngày, nhiều học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt... nghi do ngộ độc thực phẩm. Các phụ huynh đã đưa con em nhập viện điều trị. Các bệnh viện đã tiếp nhận 662 ca (điều trị nội trú và ngoại trú), trong đó có 1 trường hợp đã tử vong.
Từ kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.
Liên quan đến vụ ngộ độc, Viện Pasteur Nha Trang đã có kết quả xét nghiệm cho thấy phát hiện vi khuẩn Samonella spp, vi khuẩn Bacillus cereus và vi khuẩn Escherrichia coli cùng trong mẫu cánh gà chiên. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus cũng có trong mẫu nước mắm.
Theo Viện Pasteur Nha Trang, chủng Bacillus cereus trong cánh gà và nước mắm là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu (HBL: Hemolysin BL) và độc tố ruột không ly giải hồng cầu (NHE: Non-haemolytic enterotoxin).
Theo thông tin từ nhà trường, bữa trưa của học sinh hôm đó có món cơm gà, sốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh và dưa leo.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, vụ ngộ độc tập thể tại Trường iSchool Nha Trang, tính đến 11h ngày 23/11 vẫn còn 86 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị 25 ca, Bệnh viện 22-12 điều trị 36 ca, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec điều trị 18 ca, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang điều trị 4 ca, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang đang điều trị 3 ca. Không có ca nặng cần theo dõi.
Ngày 21/11, đoàn công tác của Bộ Y tế do TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) làm Trưởng đoàn, cùng một số chuyên gia đầu ngành về chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã đến hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tập thể này.
Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Thống kê tại các nước phát triển cho thấy, tỉ lệ tử vong trong số các trường hợp ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella khoảng 1%. Với trường hợp ngộ độc thực phẩm do Salmonella, vi khuẩn gây bệnh chủ yếu tập trung ở ruột, trong một số ít trường hợp có thể vào máu dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.