Không có chiến lược cho niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nếu niềm tin trong xã hội là một loại tài nguyên, phải chăng chúng ta cũng cần có một chiến lược khai thác nó một cách hiệu quả? Năm 2020, chúng tôi nhận ra rằng mình không cần điều đó.
Ông Đinh Đức Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO.
Ông Đinh Đức Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO.

Chúng ta phản biện dựa trên kinh nghiệm. Và kinh nghiệm đến từ quá khứ. Nếu bạn mở một cửa hàng, và đi tìm chuyên gia để phản biện ý tưởng kinh doanh của mình – dĩ nhiên bạn sẽ tìm đến ông anh nào đó đã mở cửa hàng rồi. Nếu bạn bối rối khi đang yêu, khi chuẩn bị lập gia đình hay khi phát hiện ra chồng có Tu-ét-đây (Tuesday - từ lóng chỉ người thứ 3), bạn sẽ tìm ngay bà chị đã trải qua những chuyện đó (dù có khi hai năm trời chẳng like nhau cái nào trên Facebook).

Hàng ngày, tôi nhận rất nhiều câu hỏi từ các đồng nghiệp trẻ. Em nên viết bài này thế nào? Làm sao để em tránh được lối mòn trong chủ đề này? Ngành này khó làm marketing quá anh ơi. Họ biết tôi đã viết hàng nghìn bài và triển khai hàng chục chiến dịch PR/marketing cho nhãn hàng. Tôi trả lời họ cặn kẽ, bằng kinh nghiệm quá khứ của mình.

Nhưng quá khứ có một vấn đề rất lớn: Nó đã là quá khứ.

Ngay khi tôi hướng dẫn một đồng nghiệp trẻ triển khai công việc, tôi cùng lúc biết rằng mình vừa giết đi cơ hội tạo ra một cái mới. Quá khứ không có sự đột phá. Tôi sẽ truyền cho họ một quy trình, hoặc một thủ pháp nào đó tôi đã dùng 5 năm về trước. Họ sẽ yên trí làm theo. Quá khứ rất an toàn. Nó đã trải qua một thứ thuốc thử bất khả chiến bại: được thời gian chứng minh. Nhưng nếu sự an toàn là giá trị duy nhất, thì xã hội loài người chắc đã không có nổi cách mạng nông nghiệp lần thứ nhất, chứ đừng nói đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Không có chiến lược cho niềm tin ảnh 1

Có một câu chuyện nổi tiếng về cái cũ và cái mới, là chuyện của Thomas Alva Edison và Nikola Tesla. Edison thời trẻ rất cơ cực, và thường xuyên bị nhạo báng bởi những ý tưởng mới của mình. Ông đã trải qua bao lần sỉ nhục, bị đuổi khỏi trường tiểu học vì những thí nghiệm kỳ quái, từ khi nghĩ rằng mình có thể “thu tiếng nói vào một cái hộp”, cho đến khi tìm cách tạo ra bóng đèn dây tóc – thứ sau này thắp sáng cả hành tinh.

Cậu nhóc bị đuổi học đã vượt qua tất cả để làm được điều mình muốn. Cậu thực sự đã cho tiếng nói vào trong một cái hộp để phát lại, gọi là máy ghi âm. Nhưng đến khi trở thành một đại gia đầy quyền lực, Edison lại là người dìm Nikola Tesla vì những ý tưởng mới của nhà phát minh trẻ. Khi Tesla làm thuê cho Edison, ông chủ này ra sức bóc lột. Lúc Tesla muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng điện xoay chiều mới là tương lai (bây giờ chúng ta biết rằng ông đã đúng), chính Edison là người ra sức tuyên truyền chống phá.

Người anh hùng trong câu chuyện của riêng mình lại trở thành kẻ phản diện trong câu chuyện của người khác. Nhiều người tin rằng Nikola Tesla, bất chấp những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, phải chết trong cơ hàn, có phần tội của Thomas Alva Edison.

Những kẻ dở hơi

Lần đầu tôi nghe ý tưởng của Trí, về một con cá voi làm bằng rác thải tái chế, để tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, tôi đã nghĩ: “Thằng này dở hơi”.

Hôm ấy tôi ngồi làm giám khảo cho một cuộc thi của các dự án vì cộng đồng. Trí muốn dựng lên một cái thùng rác, hình con cá voi, bằng tre, đặt ở các địa điểm công cộng, để mọi người vứt rác nhựa. Con cá voi khổng lồ có thể nhìn xuyên qua, và người ta sẽ thấy rác nhựa ở trong đó. Ý của Trí, tôi cũng không thể trích lại nguyên văn (vì nghe mấy câu đã thấy dở hơi rồi), là một hình ảnh như thế ở các địa điểm công cộng, sẽ là “nhắc nhở trực quan nhất cho giới trẻ về mối nguy hại do ô nhiễm rác nhựa mang lại”.

Không có chiến lược cho niềm tin ảnh 2

Thật ra lần thứ hai nghe tôi vẫn thấy nó dở hơi. Vấn đề rác thải nhựa ở Việt Nam có phải không được nhận thức đâu nhỉ? Có bao nhiêu công cụ tuyên truyền đang ra rả hàng ngày về xả rác nhựa, sao lại cần đến một con cá voi trong suốt nằm giữa công viên, quảng trường? Với cả, rác nhựa cũng không sạch sẽ gì đâu, nước sẽ chảy tong tong từ bụng con cá của em ra đấy.

Nhưng Trí, một cậu thanh niên không học đại học và đã dành nhiều ngày tháng để tự thiết kế, tự thi công và tự xin phép lắp đặt con cá voi kia ở nhiều nơi tại Việt Nam, vẫn kiên gan. Dự án EcoFish của Trí đã dựng được 11 mô hình cá ở nhiều tỉnh thành trong cả nước – vẫn có nhiều đơn vị, tập thể tin tưởng rằng con cá đó có ý nghĩa. Nhưng hành trình vẫn nhọc nhằn, vì 11 con cá đó phần nhiều là nỗ lực cá nhân của Trí và các đồng sự, trên tinh thần tình nguyện. Không có nhà tài trợ, cũng chẳng có công việc nào để cậu nuôi thân. Có một khoảnh khắc, khi tôi thấy cậu loay hoay với cuộc sống, mưu sinh và những mong ước của tuổi trẻ, tôi đã phải tự căn vặn mình: hay là khuyên nó bỏ cái dự án dở hơi đấy đi?

Nhưng khuyên thế xong rồi sao nữa? Bảo nó về quê kiếm lấy cái việc gì mà nuôi thân, như bao người thanh niên khác, lấy vợ đẻ con, rồi cố tìm luôn đất hương hỏa mà nằm không, cho yên tâm, cho an toàn – nếu sự an toàn là giá trị duy nhất?

Chỉ hơn mười năm trước, tôi cũng bị gọi là một thằng dở hơi, vì những mơ ước chưa có tiền lệ của mình. Và bây giờ, tôi ép mình tách bản thân ra làm hai. Một người đã tích lũy kinh nghiệm để nhìn đâu cũng thấy khuyết điểm, cái gì cũng thấy khả năng thất bại; và một người có trách nhiệm ủng hộ cái mới. Cái mới lúc nào cũng thấp thoáng vẻ dở hơi. Vì nó có nhược điểm của tương lai: Chưa ai biết hình thù nó thế nào.

Người ta chẳng phải đã hoài nghi cả Steve Jobs lúc ông nói rằng mình muốn làm một cái điện thoại không có nút bấm đấy hay sao?

Tôi quyết định ủng hộ Trí và những người như em. Tháng 12/2020, Trung tâm Thông tin UNESCO thành lập Mạng lưới Sáng kiến phát triển vì cộng đồng (Network of Initiatives for Community Empowerment/NICE). Đó là một ý tưởng đã ấp ủ nhiều năm. Chúng tôi tập hợp các sáng kiến vì cộng đồng, bất kể quy mô nào, miễn là đáp ứng được các tiêu chí về tính khả thi và triển vọng mở rộng, phi lợi nhuận, và có ý nghĩa xã hội. Sau đó, chúng tôi sẽ dùng truyền thông để thúc đẩy các sáng kiến này, kết nối họ với nguồn lực phù hợp.

Không có chiến lược cho niềm tin ảnh 3

Nghĩ lại, EcoFish của Trí có thể không trở thành “startup kỳ lân” và phủ kín các đô thị Việt Nam với con cá voi xanh đựng rác của mình (kinh nghiệm của tôi nói thế, chứ tôi cũng không chắc). Có thể nó sẽ phát triển được hai chục, hay ba chục con cá, hay là một trăm, miễn là chừng nào em và bạn bè còn tâm huyết, còn cống hiến trên tinh thần tình nguyện. Sẽ có vài chục nghìn người đi ngang qua những con cá đó, và có thể sẽ chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó giật mình, thay đổi một phần nhỏ hành vi xả rác của mình. Hoặc không. Nhưng như thế không có nghĩa là nó không xứng đáng tồn tại.

Trách nhiệm của chúng ta, là phải tin vào cái mới. Cái mới có thể sai, có thể trông rất dở hơi, nhưng đơn giản là nếu không còn ai tin vào cái chưa tồn tại, thì xã hội sẽ không đi lên, không giải quyết được.

Trách nhiệm của chúng ta, là phải tin vào cái mới. Cái mới có thể sai, có thể trông rất dở hơi, nhưng đơn giản là nếu không còn ai tin vào cái chưa tồn tại, thì xã hội sẽ không đi lên, không giải quyết được.

Ông Đinh Đức Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO

Tháng 12/2020, NICE sắp xếp một cuộc gặp của Trí với đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cuộc gặp không tạo ra kết quả ngay, nhưng Trí nhận được nhiều lời, để chỉnh sửa dự án, và một lời hứa về cơ hội hợp tác với cơ quan Chính phủ nếu hoàn thiện được kế hoạch phát triển của mình.

Đó là nhiệm vụ của NICE. Ở ngoài kia, còn rất nhiều “ông Trí dở hơi” khác đang quyết tâm dành tuổi trẻ, sức lực và thời gian cho một dự án phi lợi nhuận, vì cộng đồng. Đó có thể là một thứ không dễ hiểu, chưa ai làm bao giờ, và không thu hút được nhiều tài trợ, như các dự án từ thiện. Nhưng chúng tôi nhận định: Niềm tin là một kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao. Phải tìm kiếm, và trao niềm tin cho họ.

Điều ít người làm

Tại miền Trung, sau khi cơn lũ thảm khốc năm 2020 qua đi, những thương cảm đã dồn nén lại vào những ngày lũ về cũng nhãng ra dần.

Rất nhiều hàng hóa cứu trợ, từ cả chính phủ và các nhóm thiện nguyện đã đổ về những địa phương miền Trung trong những ngày mưa lũ. Những ngày ấy, đơn vị thường được đề cập là “tỷ đồng”. Những nỗ lực thể hiện bản tính tương thân tương ái của người Việt Nam. Nhưng ai cũng hiểu, cứu trợ khẩn cấp không thể giải quyết hết khó khăn trong cuộc sống của những người dân vùng lũ.

Không có chiến lược cho niềm tin ảnh 4

Khi cơn lũ qua đi, họ đối mặt với một vấn đề khác: Phục hồi lại sản xuất. Vườn tược đã hoang tàn, gia súc đã chết. Nhiều người nông dân vốn đã mang nợ ngân hàng chính sách, và không thể vay thêm dù chỉ một triệu đồng để làm lại cuộc sống. Nhưng lúc này, vài tháng sau thảm họa, sự quan tâm của xã hội đã chuyển hướng sang những điều khác, và những con số quyên góp không còn đo bằng “tỷ đồng” nữa.

Trong bối cảnh đó, có một tổ chức đang ra sức kêu gọi vốn tái thiết cho các cộng đồng tại miền Trung. Họ đề xuất một mô hình riêng biệt để cho vay vốn.

Vì các khoản vay lúc này sẽ phải buộc là cho vay vô điều kiện, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra: Làm thế nào để người vay có trách nhiệm với khoản vay này, và cam kết trả nợ? CODES – một tổ chức phi chính phủ giàu truyền thống tại Huế - quyết định rằng đó sẽ là một khoản vốn được trao cho cộng đồng. Một khoản vay xoay vòng.

Ví dụ: Ba mươi hộ gia đình đầu tiên, khó khăn nhất, sẽ nhận khoản vay đầu tiên, vào tháng 12/2020. Vì đây là nguồn vốn của cộng đồng, đã được CODES chuyển giao cho Hội nông dân, nên những người vay sẽ không chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư CODES. Họ chịu trách nhiệm với xóm giềng. Sau một năm, chính xóm làng sẽ thu hồi vốn để tiếp tục cho vay đến các hộ gia đình khó khăn khác. Bằng cách này, nguồn vốn được bảo toàn trong cộng đồng. Theo kịch bản lý tưởng, nó sẽ ở đó cho tới mùa lũ sau.

Đó là một sáng kiến mà NICE đang tìm cách hỗ trợ. Chiến lược hỗ trợ của NICE khá đơn giản: Đầu tiên, chúng tôi trao niềm tin cho dự án. Sau đó, chúng tôi sử dụng báo chí, mạng xã hội, và cố gắng thu thập thêm niềm tin từ xã hội cho dự án.

NICE đang bắt đầu trở thành địa chỉ của nhiều dự án xã hội ở nhiều quy mô. Đó có thể là một doanh nghiệp xã hội đã có uy tín, hoặc chỉ là một dự án sơ khai. Chúng tôi thành lập một Hội đồng giám tuyển, những người có kinh nghiệm trong công tác xã hội và khả năng phân thân: Họ vẫn phải sử dụng quá khứ của mình để nhận định, phân loại các sáng kiến – đâu chỉ là một ý tưởng mơ hồ, đâu là thứ chẳng có ý nghĩa xã hội gì? Nhưng cùng lúc, họ vẫn phải là người biết chấp nhận cái mới, tin vào những điều chưa từng có tiền lệ, và tin vào lòng tốt của người khác.

Nếu chúng ta nhớ lại rằng, có những sáng kiến vì cộng đồng bây giờ tưởng như là chuyện hiển nhiên, như là bữa cơm 2.000 đồng hay là phẫu thuật từ thiện, chỉ khoảng 15 năm trước thôi vẫn là chuyện bị dèm pha, thì ta sẽ hiểu hơn rằng: Mở lòng chấp nhận cái mới, bản thân nó đã là một khoản đầu tư có thể sinh lời cho xã hội.

Ở đâu đó ngoài kia, có hàng trăm hay hàng nghìn nhóm đang cố gắng giải quyết một vấn đề xã hội theo cách riêng của mình. Và chúng tôi đưa ra một quyết định ngược đời: Chính vì niềm tin quý giá, có khả năng sinh lời cao, nên nó cần được trao đi một cách nhanh chóng và đơn giản nhất. Không cần một chiến lược để trao niềm tin cho những điều tốt đẹp.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).