GS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ và qua việc với địa phương cho thấy, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại xã Kim Thượng là năm 2012. Trong những năm gần đây, số người nhiễm HIV mới được phát hiện và số người tử vong do AIDS tại địa bàn xã Kim Thượng ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh Phú Thọ đã triển khai nghiên cứu, làm xét nghiệm HIV và phát hiện được 42 người bị nhiễm HIV tại xã này. Trong số người nhiễm HIV được phát hiện, có những người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay đã có 5 người tử vong vì AIDS.
TS Nguyễn Hoàng Long về khảo sát, thăm hỏi người dân nhiễm HIV trên địa bàn xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn. H. Dũng |
“Những thông tin này cho thấy tình hình nhiễm HIV tại xã Kim Thượng đã xảy ra từ lâu. Có thể đây là một điểm dịch HIV tích lũy đã lâu, nay qua triển khai xét nghiệm HIV rộng rãi mới phát hiện được. Tình hình dịch HIV ở đây được coi là khá nghiêm trọng, tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn khoảng 2,5 lần so với mức trung bình toàn quốc” - GS Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.
Đối với trường hợp một em bé 18 tháng tuổi được phát hiện nhiễm HIV trong khi kết quả xét nghiệm của bố mẹ bé đều không nhiễm HIV, theo một chuyên gia của Bộ Y tế, có thể khẳng định em bé này bị lây truyền qua đường máu. Thông tin ban đầu cho thấy, em bé có tiếp cận hai người nhiễm HIV giai đoạn AIDS mà chính họ cũng không biết mình mắc bệnh. Có thời gian người phụ nữ bị sùi da, ngứa nhờ em bé gãi. Ngoài ra, em bé còn có người họ hàng gần cũng được phát hiện nhiễm HIV.
Đặc biệt, một yếu tố khiến các chuyên gia rất lưu ý, đó là người dân vùng này có tập quán nhai mớm cơm cho trẻ em. Các chuyên gia cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất là ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh và giai đoạn cuối của AIDS. Lúc này, nồng độ vi-rút trong máu cực cao. Với nồng độ virus đậm đặc, nguy cơ lây truyền càng dễ hơn, lại trong tình trạng không biết mình bị bệnh nên có thể có nhiều hành vi trong sinh hoạt gia đình không cảnh giác.
“Một em bé bị HIV trong khi bố mẹ không bị, chắc chắn em lây qua đường máu, có thể là tiếp xúc máu, dịch người nhiễm, vật dụng dính máu của người nhiễm, hoặc tiêm chích vật dụng đã nhiễm HIV, rất khó để xác định nó ở đâu trong quá trình sinh hoạt” - chuyên gia cho biết.
Với những mối nghi ngờ tập trung vào việc y sỹ trên địa bàn dùng chung kim tiêm cho mọi người dẫn đến lây nhiễm HIV, GS Nguyễn Hoàng Long cho biết: Nhiễm HIV là nhiễm một bệnh mãn tính. Một người từ khi nhiễm HIV đến khi chuyển sang giai đoạn AIDS thường trung bình sau 5-7 năm. Do vậy, với những người đã bị AIDS và tử vong tại xã Kim Thượng chứng tỏ HIV ở đây cũng đã có từ rất lâu chứ không phải là mới xảy ra gần đây và tích lũy qua nhiều năm. “Có người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, nhưng mới đi khám bệnh lần đầu tại y sỹ tư nhân trên địa bàn 6 tháng trước đây. Như vậy, không thể kết luận việc lây nhiễm HIV là do y sỹ dùng chung bơm kim tiêm” - GS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh. Hiện, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh-Dịch tễ Trung ương làm đầu mối, phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan có liên quan của tỉnh Phú Thọ khẩn trương triển khai nghiên cứu khoa học, khách quan để tìm hiểu nguyên nhân.