Khủng long bạo chúa có thể không phải là những kẻ săn mồi đơn độc như hình dung lâu nay mà giống như những loài có xu hướng đi săn theo bầy đàn giống chó sói, nghiên cứu mới được công bố hôm thứ Hai chỉ ra.
Các nhà cổ sinh vật học đã phát triển lý thuyết này trong khi nghiên cứu một ngôi mộ tập thể của khủng long bạo chúa được tìm thấy cách đây 7 năm trong Đài tưởng niệm Quốc gia Grand Staircase-Escalante ở miền nam bang Utah.
Sử dụng phân tích địa hóa của xương và đá, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Arkansas xác định rằng những con khủng long này đã chết ở cùng một nơi.
Kristi Curry Rogers, giáo sư sinh học tại Đại học Macalester, cho biết nghiên cứu này là một “khởi đầu tốt” nhưng sẽ cần thêm bằng chứng trước khi xác định rằng khủng long bạo chúa từng sống theo bầy đàn.
"Những dữ liệu này chưa đủ chắc chắn để kết luận rằng loài khủng long bạo chúa đã chung sống với nhau trong thời kỳ tốt đẹp", giáo sư Rogers cho biết. "Có thể chúng từng sống ở các vùng lân cận và chỉ ghép đàn với nhau khi các nguồn thức ăn cạn kiệt".
Di tích khảo cổ ở bang Utah là khu mộ khủng long bạo chúa thứ ba được phát hiện ở Bắc Mỹ và cung cấp thêm bằng chứng cho thấy khủng long bạo chúa có thể đã sống thành từng nhóm.
Thuyết khủng long bạo chúa sống theo bầy xuất hiện cách đây hơn 20 năm khi hơn một chục hóa thạch khủng long bạo chúa được tìm thấy tại một địa điểm ở Alberta, Canada. Một khu mộc khác đã được phát hiện ở bang Montana (Mỹ) một lần nữa đã củng cố lý thuyết này. Nhiều nhà khoa học đặt nghi vấn về lý thuyết này, cho rằng khủng long bạo chúa không có trí tuệ để tham gia vào các tương tác xã hội phức tạp.