Trao đổi với PV Ngày Nay, ông Nguyễn Đình Khuyến – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, Di tích Phủ Tây Hồ là di tích trọng điểm của quận. Trên thực tế, những bất cập liên quan đến dãy ki-ốt nằm trong khuôn viên di tích là có, đã tồn tại từ lâu và do lịch sử để lại. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà quận Tây Hồ không có định hướng xử lý.
Quan điểm của UBND quận Tây Hồ là việc khoanh vùng 1 của Di tích Phủ Tây Hồ sẽ được chia làm hai giai đoạn, lộ trình trong năm 2024-2025. Giai đoạn 1, dãy ki-ốt đang tồn tại trong khuôn viên di tích sẽ được xoá bỏ và sắp xếp cho các hộ kinh doanh di chuyển ra một vị trí khác, nằm ngoài vùng 1 di tích. Dãy ki-ốt đã tồn tại từ lâu mà không được quy hoạch, sắp xếp một cách hợp lý; chính vì vậy, việc di dời dãy ki-ốt này là khá khó khăn.
“Để thực hiện giải phóng mặt bằng thì cần phải làm theo quy trình, thậm chí cưỡng chế sẽ rất phức tạp. Vì thế nên quận sẽ bố trí một vị trí khác phù hợp để các hộ tiếp tục kinh doanh. Quá trình khoanh vùng 1 của di tích, quận Tây Hồ sẽ tập trung trước hết là giải phóng mặt bằng dãy ki-ốt này, còn lại khu vực phía sau Phủ Tây Hồ sẽ được thực hiện vào giai đoạn 2. Quá trình thực hiện việc di dời dãy ki-ốt ra khỏi vùng 1 di tích có thể sẽ gặp phải một số khó khăn, tuy nhiên việc này phải làm chứ không thể không làm”, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định.
Theo ông Khuyến, UBND quận Tây Hồ coi việc khoanh vùng Di tích Phủ Tây Hồ là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung thực hiện trong thời gian tới đây. Quan điểm của UBND quận Tây Hồ là dù bắt buộc phải di dời dãy ki-ốt ra khỏi khuôn viên của di tích, tuy nhiên quận sẽ xem xét để tìm ra hướng giải quyết sao cho phù hợp, hài hoà giữa việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích với cuộc sống của người dân.
Những hoạt động buôn bán, kinh doanh tại dãy ki-ốt nằm trong khuôn viên Di tích Phủ Tây Hồ đã gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý di tích, cũng như mang lại một khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan tại di tích. |
Trước đó, theo ông Trương Tiến Hồi – Thủ nhang kiêm Trưởng tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ, dãy 21 ki-ốt nằm trong khuôn viên di tích này do chính quyền quản lý, tiểu ban này hoàn toàn không thu tiền cho thuê mặt bằng, không quản lý dãy ki-ốt và cũng không thu bất kỳ loại phí nào.
Khi quận Tây Hồ có ý định sẽ chuyển vị trí dãy ki-ốt này ra bên ngoài khu vực bãi xe, những người dân đang kinh doanh tại dãy ki-ốt đã phản đối quyết liệt, thậm chí còn chửi bới các thành viên trong tiểu ban quản lý cùng nhân viên làm việc tại di tích.
Còn theo ông Nguyễn Danh Thụ - Chủ tịch UBND phường Quảng An, dãy ki-ốt nói trên là tự phát, đã hình thành từ rất lâu, từ rất nhiều năm nay rồi. Phường Quảng An hiện không thu bất kỳ loại phí nào từ dãy ki-ốt này.
Ông Thụ cũng cho rằng, những gì ông Hồi - Trưởng tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ nói về việc các hộ kinh doanh tại dãy ki-ốt chửi bới, xúc phạm các thành viên của tiểu ban quản lý này là chưa chính xác. “Tôi không nghe thấy có chửi bới gì tiểu ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ cả. Có thể đó là họ nói to thôi”, ông Thụ cho hay.
“Bước qua cổng Di tích Phủ Tây Hồ là một khung cảnh không khác bên ngoài là mấy, cả chục dãy ki-ốt nằm sát nhau và được đánh số thứ tự rõ ràng. Không hiểu tại sao, trong khuôn viên phủ Tây Hồ, một nơi linh thiêng, trang trọng lại tồn tại những hoạt động buôn bán gây mất mỹ quan như vậy?”, người dân đặt câu hỏi.