Theo thông tin từ UBND Quảng An, UBND phường thành lập Ban quản lý Di tích, dưới là các Tiểu ban quản lý. Về công tác thu – chi, Di tích Phủ Tây Hồ thực hiện theo Thông tư 04 của Bộ Tài Chính, đó là mở tài khoản tại ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng Vietinbank. Nguồn tiền thu được từ di tích được nộp vào các tài khoản này để quản lý.
Quá trình tìm hiểu cho thấy, trong khuôn viên Di tích Phủ Tây Hồ hiện đang tồn tại một dãy gồm 21 ki-ốt kinh doanh. Tuy nhiên, theo tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ thì dãy ki-ốt này do chính quyền quản lý, tiểu ban này hoàn toàn không thu tiền cho thuê mặt bằng, không quản lý dãy ki-ốt và cũng không thu bất kỳ loại phí nào.
Trưởng tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ từng khẳng định, dãy ki-ốt nằm trong khu vực khuôn viên Di tích Phủ Tây Hồ (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Mới đây, khi quận Tây Hồ có ý định sẽ chuyển vị trí dãy ki-ốt này ra bên ngoài khu vực bãi xe, những người dân đang kinh doanh tại dãy ki-ốt đã phản đối quyết liệt, thậm chí còn chửi bới các thành viên trong Tiểu ban quản lý cùng nhân viên làm việc tại di tích.
Trao đổi với PV Ngày Nay, ông Nguyễn Danh Thụ - Chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, từ khi hình thành Di tích Phủ Tây Hồ, các hộ dân tại khu vực đã triển khai kinh doanh các ki-ốt tại đây. Trước đây, dãy ki-ốt này rất rộng, phạm vi ra đến sát khu vực kè hồ Tây, di tích chỉ có một lối đi duy nhất đó là khu vực cổng chính.
Từ năm 2021 đến nay, chính quyền sở tại đang triển khai chỉnh trang đô thị tại khu vực Di tích Phủ Tây Hồ, chính vì vậy, dãy ki-ốt được thu hẹp lại và giờ đường đi vào di tích mới rộng như vậy.
Trong thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND quận Tây Hồ, UBND phường Quảng An cùng với các phòng ban chuyên môn của quận sẽ tổ chức triển khai thực hiện công tác chỉnh trang đô thị trong khu vực Di tích Phủ Tây Hồ và khoanh vùng di tích. Về việc này UBND phường cũng đã có báo cáo để tổ chức triển khai.
Ông Thụ cho biết: “Dãy ki-ốt ở đây đã hình thành từ rất lâu, từ rất nhiều năm nay rồi. UBND phường không thu bất kỳ loại phí nào từ dãy ki-ốt này. Đối với việc nộp thuế của các hộ kinh doanh ki-ốt thì có tổ thuế của phường trực tiếp thu tiền nộp vào ngân sách”.
Theo UBND phường Quảng An, dãy ki- ốt nằm trong khuôn viên Di tích Phủ Tây Hồ là tự phát, đã tồn tại từ lâu, và hiện không phải đóng bất kỳ loại phí nào. |
Theo ông Thụ, dãy ki-ốt này là tự phát, đã tồn tại nhiều năm, nên việc định hướng được để chỉnh trang lại là việc không thể thực hiện trong một sớm một chiều, mà còn rất nhiều các quy trình khác. Về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các hộ kinh doanh ki-ốt, việc này do các cơ quan thuế quản lý, UBND phường không nắm được.
“Những gì ông Hồi (Trưởng tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ - PV) nói chưa hẳn đã hết nghĩa. Trong cuộc họp liên quan đến việc khoanh vùng di tích, các hộ kinh doanh ki-ốt tại Phủ Tây Hồ không phải là phản ứng, mà họ chỉ có ý kiến kiến nghị rằng nếu có tiến hành xây dựng thì cần giữ nguyên số lượng ki-ốt, không phát sinh thêm thôi. Còn những nội dung khác thì các hộ không có ý kiến gì. Tôi không nghe thấy có chửi bới gì tiểu ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ cả. Có thể đó là họ nói to thôi”, ông Thụ nói thêm.
Cũng theo ông Thụ, suốt nhiều năm qua, công tác chỉnh trang đô thị tại Di tích Phủ Tây Hồ vẫn chưa đạt được đến đích; ví dụ như vẫn còn hiện tượng trông giữ phương tiện tại khu vực cổng phụ di tích trong dịp lễ hội.
Về công tác quản lý tài chính tại Di tích Phủ Tây Hồ, tiểu ban quản lý di tích báo cáo thì UBND phường chỉ biết và nắm bắt thôi, “phường không động chạm gì đến cái đó”. Khoản tiền khoảng gần 20 tỷ đồng thu được từ di tích đã được tiểu ban quản lý di tích gửi vào ngân hàng để phục vụ công tác tu sửa, tôn tạo di tích.
Còn theo ông Dương Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An, dãy ki-ốt nằm trong Di tích Phủ Tây Hồ đã có từ lâu, do lịch sử để lại. UBND phường chỉ quản lý về vệ sinh môi trường, về trật tự đô thị, không thu bất kỳ loại phí nào của dãy ki-ốt này.
Ông Hải nhấn mạnh: “Hiện tại, đang triển khai khoanh vùng 1 của di tích, vì vậy cũng cần có phương án đề xuất để đưa dãy ki-ốt này ra bên ngoài. Tuy nhiên, chỉ vừa mới có ý định như vậy thôi mà các hộ dân đã có đơn kiến nghị, rất phức tạp”
Ông Hải cũng cho biết, việc đưa nội dung về các con số cụ thể trong việc thu – chi tại Di tích Phủ Tây Hồ là rất nhạy cảm. Bởi lẽ, số tiền thu được tại di tích này khá nhiều. “Đưa lên như vậy mọi người lại tưởng ở đây thu nhiều quá”, ông Hải nói.
Năm 2023, số thu tồn tại Di tích Phủ Tây Hồ là 19.327.504.000 đồng. Từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho đến thời điểm ngày 5/3/2024, Di tích Phủ Tây Hồ đã thu số tiền 6.416.510.000 đồng. Trong đó, từ ngày mùng 1 Tết (tức ngày 10/2/2024) đến ngày 20 tháng giêng âm lịch (tức ngày 29/2/2024) đã chi tổng số tiền 1.082.050.000 đồng.
Được biết, hiện tại, quỹ của Di tích Phủ Tây Hồ đang còn tồn số tiền 26.661.864.000 đồng; trong đó gửi ngân hàng số tiền 21.780.000.000 đồng và hơn 2.000.000.000 đồng để dùng chi thường xuyên cho các hoạt động của di tích.
Các hoạt động kinh doanh, buôn bán tại dãy ki-ốt nằm trên khu vực đất thuộc khuôn viên Di tích Quốc gia Phủ Tây Hồ diễn ra tràn lan suốt thời gian qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan của di tích, và gây nhiều bất cập trong công tác quản lý và vận hành di tích; thế nhưng Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ chỉ “bất lực chịu trận”.