Di tích Quốc gia Phủ Tây Hồ là một ngôi đền cổ, được xây dựng từ thế kỷ XVII, nằm trên một bán đảo lớn nhô ra giữa Hồ Tây thuộc của làng Tây Hồ (cũ). Phủ Tây Hồ thờ Bà Chúa Liễu Hạnh (hay còn gọi là Thánh Mẫu Liễu Hạnh) – một trong những đại diện của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Bà cũng là một trong tứ bất tử của người Việt (gồm: Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà Chúa Liễu Hạnh).
Theo ông Trương Tiến Hồi – Thủ nhang kiêm Trưởng Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ, di tích này được xây dựng và tôn tạo có hiện trạng như ngày hôm nay là nhờ được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hoá. Hiện tại, chính quyền không tham gia Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ.
Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ hiện gồm 5 người, trong đó có một Trưởng ban kiêm Thủ nhang là ông Trương Tiến Hồi cùng hai Phó ban, một kế toán kiêm uỷ viên và một uỷ viên. Nhân viên làm việc tại di tích hiện tại có khoảng gần 30 người, chủ yếu làm việc vào hai ngày mùng 1 và ngày 15 hàng tháng âm lịch – thời điểm lượng khách về thăm quan và dâng hương rất đông; ngày thường, do vắng khách nên lượng nhân viên được cắt cử chỉ còn lại một nửa.
Đối với dịp Tết Nguyên đán, lượng khách tới Di tích Phủ Tây Hồ sẽ tập trung đông nhất từ đêm 30 Tết cho tới tận Rằm Tháng Giêng. Ngoài nhân viên của di tích ra thì vào thời điểm này sẽ có nhân lực tăng cường gồm lực lượng của Công an TP. Hà Nội, Công an quận Tây Hồ, Công an phường Quảng an và nhân viên tự quản của phường Quảng An…
Ông Hồi cho biết, Di tích Phủ Tây Hồ luôn mở cửa để du khách được vào tham quan tự do, không tổ chức bán vé thu tiền. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, di tích cũng tổ chức bãi gửi xe không thu phí để phục vụ người dân đến tham quan, chiêm bái. Tình hình an ninh trật tự tại di tích luôn được đảm bảo và giữ vững.
“Báo cáo về công tác quản lý di tích thì định kỳ 28 ngày một lần chúng tôi sẽ có báo cáo gửi UBND phường, để phường có trách nhiệm báo cáo tới Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đối với công tác quản lý tài chính, từ xưa đến nay vẫn có kế toán và thủ quỹ. Hàng tháng, mọi khoản tiền đều được ghi chép vào sổ sách và có báo cáo thu – chi tới UBND phường Quảng An”, ông Hồi nói.
Cũng theo ông Hồi, cứ vào thời điểm cuối năm, Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ sẽ thực hiện việc diễn giải chi, cụ thể là chi những khoản gì sẽ diễn giải và báo cáo đầy đủ, chi tiết. Công tác thu – chi, kiểm đếm hàng ngày tại Phủ Tây Hồ đều có sự chứng kiến của đại diện UBND phường Quảng An. Sau khi kiểm đếm, số tiền thu được sẽ được ghi vào sổ và gửi vào tài khoản ở ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng Vietinbank.
Dãy ki-ốt kinh doanh nằm trong khuôn viên Di tích Quốc gia Phủ Tây Hồ do chính quyền quản lý, Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ chỉ quản lý nơi thờ tự, hoàn toàn không liên quan đến các hoạt động khác và cũng không quản lý dãy ki-ốt này. |
Năm 2023, số thu tồn tại Di tích Phủ Tây Hồ là 19.327.504.000 đồng. Từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho đến thời điểm ngày 5/3/2024, Di tích Phủ Tây Hồ đã thu số tiền 6.416.510.000 đồng. Trong đó, từ ngày mùng 1 Tết (tức ngày 10/2/2024) đến ngày 20 tháng giêng âm lịch (tức ngày 29/2/2024) đã chi tổng số tiền 1.082.050.000 đồng cho các khoản tiền ăn uống cho lực lượng làm công tác quản lý và phục vụ tại di tích, tiền vệ sinh cảnh quan và môi trường, tiền vận chuyển rác, tiền hoa, tiền đồ cúng, tiền điện…
Được biết, các nhân viên làm việc tại Di tích Phủ Tây Hồ hiện tại không được trả lương mà chỉ được trả thù lao đối với những ngày làm việc. Nguồn tiền để chi trả thù lao cho các nhân viên làm công việc tại di tích này được trích từ nguồn tiền công đức và tài trợ thu được từ du khách thập phương.
Ông Hồi khẳng định, hiện tại, quỹ của Di tích Phủ Tây Hồ đang còn tồn số tiền 26.661.864.000 đồng; trong đó gửi ngân hàng số tiền 21.780.000.000 đồng và hơn 2.000.000.000 đồng để dùng chi thường xuyên cho các hoạt động của di tích.
Trong khuôn viên Di tích Phủ Tây Hồ hiện đang tồn tại một dãy gồm 21 ki-ốt kinh doanh. Tuy nhiên, dãy ki-ốt này do chính quyền quản lý, Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ hoàn toàn không thu tiền cho thuê mặt bằng và cũng không quản lý dãy ki-ốt này. Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ chỉ quản lý nơi thờ tự, còn lại không liên quan đến các hoạt động khác và cũng không thu bất kỳ loại phí nào.
“Dãy ki-ốt nằm trong khuôn viên Di tích Phủ Tây Hồ trước đây do UBND quận Tây Hồ xây dựng, có 21 hộ bán hàng và kinh doanh tại đây. Vừa rồi, quận Tây Hồ có ý định sẽ chuyển vị trí dãy ki-ốt đó ra bên ngoài khu vực bãi xe, nhưng người dân đang kinh doanh tại dãy ki-ốt này phản đối quyết liệt, thậm chí còn chửi bới các thành viên trong tiểu ban quản lý cùng nhân viên làm việc tại Di tích Phủ Tây Hồ”, ông Hồi cho biết.
Được biết, dãy ki-ốt này là những tồn tại từ trong quá khứ để lại, hiện do chính quyền địa phương quản lý. Dãy ki-ốt nằm trên khu vực đất thuộc khuôn viên Di tích Quốc gia Phủ Tây Hồ (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Dù các hoạt động kinh doanh, buôn bán tại dãy ki-ốt diễn ra tràn lan đã gây ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích và gây nhiều bất cập trong công tác quản lý và vận hành di tích; thế nhưng Tiểu ban quản lý Di tích Phủ Tây Hồ chỉ đành “bất lực chịu trận” suốt nhiều năm qua.
Liên quan đến công tác quản lý tại Di tích Phủ Tây Hồ cũng như những bất cập đang còn tồn tại tại dãy ki-ốt kinh doanh nằm ngay trong khuôn viên di tích này; PV Ngày Nay đã nhiều lần liên hệ UBND phường Quảng An để tìm hiểu thông tin; nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi.
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin!