Kịch bản thâu tóm 2 mảnh đất vàng không qua đấu giá ở quận 4 của Tập đoàn Trung Thuỷ

(Ngày Nay) - Hai lô đất vàng 428 – 430 Nguyễn Tất Thành có nguồn gốc đất nhà nước, vốn thuộc hai dự án khác nhau. Thế nhưng, cả hai lô đất này đã về tay Tập đoàn Trung Thủy mà không qua đấu giá. Mặc dù là hai dự án khác nhau, doanh nghiệp của bà Dương Thanh Thủy gộp khối thành một với cái tên Lancaster Lincoln.
Kịch bản thâu tóm 2 mảnh đất vàng không qua đấu giá ở quận 4 của Tập đoàn Trung Thuỷ

Đất vàng nhà nước về tay doanh nghiệp tư nhân 

Thông tin tìm hiểu cho thấy, khu đất số 428 Nguyễn Tất Thành (quận 4, TPHCM) gồm Khu I và Khu II vốn thuộc quyền sử dụng của Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Mã UpCom: VST - doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VINALINES). 

Ngày 24/7/2015, VST ký hợp đồng số 01/2015/HĐ-TTL với Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster về việc thực hiện dự án căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ trên Khu II số 428 Nguyễn Tất Thành. Diện tích của Khu II là 2.165,8m2.

Đến ngày 12/8/2015, Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận ra đời với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. VST là doanh nghiệp sở hữu đất, song chỉ nắm 10% tỷ lệ sở hữu Lancaster Tân Thuận còn Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster nắm 90% tỷ lệ sở hữu.

Tại khu đất số 430 Nguyễn Tất Thành có diện tích 2.286m2 được UBND TPHCM cho Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn thuê từ năm 1997, với số tiền thuê đất phải nộp hàng năm là 9,6 tỷ đồng để làm kho bãi.

Tháng 5/2004, Cảng Sài Gòn và Công ty Dịch vụ Công ích Quận 4 ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng tại số 430 – Nguyễn Tất Thành để phục vụ chương trình tái định cư và chỉnh trang đô thị của UBND Thành phố. Hai năm sau, hợp đồng hợp tác đã được 2 đơn vị ký chính thức với nội dung triển khai Dự án Xây dựng chung cư – cao ốc văn phòng tại 430 – Nguyễn Tất Thành theo phương thức góp vốn – chia sản phẩm.

Để triển khai Dự án này, Cảng Sài Gòn góp 60% tổng vốn đầu tư, bao gồm quyền khai thác khu đất tại số 430 - Nguyễn Tất Thành với diện tích 2.477,8 m2 và góp bằng tiền theo tỷ lệ nêu trên. Công ty Dịch vụ Công ích quận 4 góp quyền khai thác khu đất tại vị trí 430 - Nguyễn Tất Thành với diện tích 1.147 m2 và góp vốn bằng tiền theo tỷ lệ đã thỏa thuận.

Ngày 26/8/2013, Công ty Dịch vụ Công ích quận 4 đã có Tờ trình số 05/CV – CT báo cáo UBND quận 4 về chủ trương đầu tư Dự án. Tại thời điểm này, để đạt chỉ tiêu xây dựng 210 căn hộ, diện tích khuôn viên 4.621,8 m2, diện tích phù hợp quy hoạch 3.354 m2, tổng mức đầu tư Dự án tăng lên 595 tỷ đồng. 

Hai khu đất 428 và 430 Nguyễn Tất Thành vốn thuộc đất nhà nước, được cấp để thực hiện hai dự án khác nhau, do hai chủ đầu tư khác nhau quản lý. Thế nhưng, hai lô đất này không biết từ khi nào được gộp khối và trở thành dự án có tên thương mại Lancaster Lincoln do Tập đoàn Trung Thủy – một doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư. 

Như vậy hai lô đất vàng có giá trị cả nghìn tỷ đồng đã thuộc về Tập đoàn Trung Thuỷ mà hoàn toàn không thông qua đấu giá?

Kịch bản thâu tóm 2 mảnh đất vàng không qua đấu giá ở quận 4 của Tập đoàn Trung Thuỷ ảnh 1

Đất vàng TPHCM về tay doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu thầu khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự rõ ràng của giao dịch này 

Chiêu bài góp vốn hợp tác đầu tư

Năm 2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Theo kết luận thanh tra và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, SAGRI đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng sai 1.900 ha đất thông qua việc góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên các khu đất được giao quản lý không đúng quy định pháp luật, chuyển nhượng đất dự án “giá bèo”.

Đối tác của SAGRI là Tập đoàn Trung Thủy, hoặc công ty con, công ty thành viên trong Group doanh nghiệp của gia đình bà Dương Thanh Thủy.

Tại Khu II số 428 Nguyễn Tất Thành, VST cũng có hợp đồng hợp tác với Trung Thủy Lancaster lập ra pháp nhân mới là Lancaster Tân Thuận để thực hiện dự án.

Điều đáng nói, tại pháp nhân mới, Tập đoàn Trung Thủy nắm 90% tỷ lệ sở hữu. Với tỷ lệ này, phía doanh nghiệp gia đình bà Dương Thanh Thủy nắm toàn quyền chi phối tại Lancaster Tân Thuận.

Với việc sở hữu 90% cổ phần, khi dự án hình thành, quyền sử dụng đất được chuyển sang tên pháp nhân mới là Lancaster Tân Thuận, đồng nghĩa Tập đoàn Trung Thủy có toàn quyền tự quyết số phận Khu II số 428 Nguyễn Tất Thành.

Quá trình tìm hiểu của PV cho thấy, tháng 8/2018, Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM đã cấp quyền sử dụng Khu II số 428 Nguyễn Tất Thành cho Lancaster Tân Thuận.

Với diễn biến này, phía VST đang rơi vào thế khó khi Khu I số 428 Nguyễn Tất Thành vốn được công ty dự định thực hiện một dự án khác để làm văn phòng làm việc. Song dự án này đang gặp rắc rối và có thể không triển khai được. Bởi vậy lãnh đạo VST dự tính thuê hoặc mua văn phòng tại dự án 428-430 Nguyễn Tất Thành – nơi mà đất trước đây vốn thuộc VST.

Trong khi dự án 430 Nguyễn Tất Thành, hai doanh nghiệp nhà nước cùng nhau góp vốn, góp đất để thực hiện dự án với diện tích 4.621,8 m2. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này không triển khai dự án mà đem bán với giá 150 tỷ đồng cho Tập đoàn Trung Thủy. 

Thương vụ này đã bị Bộ Tài chính “tuýt còi”, tuy vậy cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận thanh kiểm tra? Khi mà chưa có kết luận rõ ràng từ phía Bộ Tài Chính thì UBND TPHCM lại cho phép Tập đoàn Trung Thủy gộp khối hai lô đất 428 và 430 để làm dự án mới với tên thương mại Lancaster Lincoln.

Một điểm cần lưu ý, tháng 8/2018, Lancaster Tân Thuận mới được cấp quyền sử dụng đất Khu II số 428 Nguyễn Tất Thành. Điều này đồng nghĩa với trước thời điểm đó VST vẫn là chủ sở hữu tại lô đất trên. Vậy không hiểu vì lý do gì, do ai yêu cầu mà năm 2016, Văn phòng UBND TPHCM có thông báo về chấp thuận hợp khối cho 2 công trình chung cư kết hợp thương mại dịch vụ tại số 428 – 430 Nguyễn Tất Thành!

Theo khảo sát của PV, giá đất tại đường Nguyễn Tất Thành có giá không dưới 100 triệu đồng/m2. Tạm tính với giá này, lô đất hơn 4.000m2 tại 430 Nguyễn Tất Thành trị giá khoảng 500 tỷ đồng. Thế nhưng, lô đất này lại được bán cho Tập đoàn Trung Thủy với giá chỉ 150 tỷ đồng. 

Với những diễn biến có nhiều vấn đề phức tạp, đề nghị cơ quan chức năng, Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ...

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).