Học sinh “lớn lên” cùng sách
Tham gia tham luận, em Nguyễn Phương Anh, HS lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 cho biết, sách đã giúp em trưởng thành ra sao. Từ nhỏ, Phương Anh đọc rất nhiều sách và em có thành tích học tập rất tốt. Tuy nhiên, kết quả học tập tốt nhờ đọc sách chưa là gì đối với những thứ mà em đạt được khi đọc sách. Sách giúp em hình thành những ý tưởng “khởi nghiệp” khi học lớp 5. Và khi đọc cuốn Bí mật tư duy triệu phú, em tìm thấy cho mình một đam mê và thích thú công việc kinh doanh. Cũng từ đó, hoài bão trở thành một nhà kinh doanh xuất sắc và thành công xuất hiện trong đầu em. Sách đã cho em ước mơ và hoài bão.
Phương Anh kể tiếp, em bị mắc chứng bệnh ngoài da, khó chữa nên bản thân rất tự ti về mình. Nhưng rồi khi em đọc sách Vượt lên chính mình đã giúp em thay đổi về suy nghĩ.
Tương tự, em Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10) chia sẻ, trước đây, em không biết nhận khuyết điểm của bản thân, chưa biết nhường nhịn bạn, khi làm sai chưa biết nhận lỗi. Tuy nhiên, nhờ đọc quyển sách Hạt giống tâm hồn - Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống, em đã thay đổi.
Bên cạnh đó, thói quen đọc sách giúp các em có được kiến thức để học tốt hơn, nói năng lưu loát, giao tiếp tốt, đồng thời có thể hiểu và phân biệt được những điều tốt, xấu xung quanh, nhận ra điểm mạnh, điểm tốt của bạn bè, giúp mạnh dạn nhận lỗi khi có lỗi, biết giữ trật tự, vệ sinh, ngăn nắp, đúng giờ...
Chia sẻ về vấn đề này, cô Đỗ Hoàng Mai, giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 11) cho biết, cô đã nhận ra học sinh của mình thay đổi rõ rệt như viết văn sáng tạo hơn, nói năng lưu loát, có ý thức tự học cao hơn nhờ đọc sách.
Học sinh tham gia Ngày hội đọc sách do Phòng GD&ĐT quận 4 tổ chức |
Những “chiến binh” của văn hóa đọc
Cô Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7 trao đổi, mặc dù trường dành 20 phút mỗi buổi học để học sinh đọc sách, nhưng với một số HS, nó giống như 20 phút… cực hình, mong từng giây trôi qua. Từ đó, cô trăn trở làm sao để 20 phút đọc sách ấy đối với tất cả học sinh chúng đều trân quý như nhau, đều sử dụng thật hiệu quả. Và cô bắt đầu chiến dịch “Mỗi tuần một cuốn sách” trong phạm vi lớp học.
Cô Mỹ tâm sự, để học trò yêu thích, có thói quen đọc sách đã khó, nhưng làm sao để hướng dẫn một đứa trẻ đọc sách có hệ thống, có khoa học còn khó hơn. Vì vậy cô cùng đồng nghiệp của mình nghĩ ra kế sách xây dựng “Nhật ký đọc” cho mỗi học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thu Hà, giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 lại có một cách khá đặc biệt để học trò tìm tới sách. Cô mở quán cà phê nhỏ ở nhà, trang bị rất nhiều sách để khách tới có thể lấy đọc. Để khuyến khích học trò đọc sách, cô dùng “chiêu”, đọc và tóm tắt được một quyển sách sẽ được thưởng một ly thức uống tự chọn của quán. “Lúc đầu, các em đến với cà phê sách của tôi chỉ là để được uống nước “miễn phí”, chỉ cần “cố” đọc cho xong một quyển sách. Về sau, dần dần các em thấy “nghiện” nơi đây, “nghiện” đọc sách và các em đã chủ động tìm những quyển sách đem đến góp vào “thư viện” nho nhỏ của tôi”.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Trần Thị Trinh (quận 10) kiến nghị, cần có 1 tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa để các giáo viên có thời gian giúp học sinh có thói quen đọc sách tốt hơn. Trước mắt, Sở GD&ĐT TP nên cho phép các trường thực hiện tích hợp tiết đọc sách trong tiết sinh hoạt lớp giúp học sinh phát triển tốt về mặt trí tuệ và tình cảm.