Chia sẻ tại Tọa đàm Kiến tạo khu đô thị thông minh và đáng sống - Mô hình cho Việt Nam do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 13/11, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết: Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 đã có những nhịp chững ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, thể hiện ở nguồn cung và giao dịch, nhất là những phân khúc như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp. Tác động của dịch bệnh khiến phát triển bền vững không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc.
“Đó là yêu cầu phải phát triển các dự án thông minh và đáng sống để hướng đến sự bền vững trong tương lai. Con người ngày nay càng thấu hiểu rằng, một nơi đáng sống không chỉ đẹp mà phải là một đô thị bền vững, một đô thị đủ linh hoạt để thích ứng, chống chọi trước những bất thường của môi trường tự nhiên và xã hội. Và đó đã trở thành tiêu chí để lựa chọn các không gian sống trong đô thị”, ông Chiến nhấn mạnh.
Dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, ông Chiến cho hay, năm 2020, những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường. Không những vậy, những dự án có quy hoạch bài bản, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có sức sống và vì con người, luôn có sức cạnh tranh cao và có giá bán cao vượt trội hơn các dự án khác. Ngược lại, các sản phẩm nhỏ lẻ dần vắng bóng và không còn sức hút như dự án lớn được ứng dụng giải pháp thông minh.
Trên cơ sở phân tích và đánh giá tổng quan về thị trường, ông Chiến khẳng định: “Xây dựng đô thị thông minh và đáng sống ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên, từ nhận thức đến phương pháp và quá trình thực hiện có rất nhiều trở ngại, nhất là từ hai phía: Nhà quản lý và các doanh nghiệp bất động sản. Chúng ta loay hoay trong việc bắt đầu từ đâu và bắt đầu bằng cách như thế nào. Chúng ta cũng gặp phải khó khăn trong việc xác định tiêu chí và đo lường hiệu của của dự án”.
Đồng quan điểm, TS. KTS Trương Văn Quảng cho rằng, việc kiến tạo đô thị thông minh và đáng sống chính là việc tích hợp có tính thời đại giữa hai yếu tố thông minh và đáng sống. Đô thị đó đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề của quá trình phát triển đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, gắn với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sống của con người. Đây là mô hình phát triển đô thị ở trình độ cao phù hợp với xu hướng chung trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity đưa ra những hiện trạng phổ biến của các khu đô thị đã và đang diễn ra trong thực tế như thiếu đi sức hút, sự hoang hóa của khu đô thị đến từ kết quả của hoạt động đầu cơ hay câu chuyện quy hoạch bị phá vỡ. Phân tích về những thách thức của khu đô thị mới, ông Dũng chỉ ra có 6 vấn đề nổi cộm bao gồm: Một là khả năng thu hút cư dân và xây dựng một cộng đồng sống tốt; Hai là thu hẹp khoảng cách với thành phố trung tâm; Ba là đa dạng hoạt động kinh tế; Thứ tư là linh hoạt với các biến động của thị trường; Năm là xây dựng mô hình vận hành; Sáu là gia tăng giá trị đất đai theo thời gian.
Trên cơ sở đánh giá sự thành công của khu đô thị Ecopark và những khu đô thị mới trên thế giới, vị lãnh đạo của enCity kết luận và đưa ra 9 chiến lược kiến tạo đô thị mới sống tốt, đó là: Địa điểm chiến lược, kết nối vùng, phân khu và phân kỳ, đa dạng sản phẩm, tạo hệ sinh thái dịch vụ và việc làm, tập trung tiện ích, môi trường thân thiện, vận hành bền vững, gắn kết cộng đồng.
Cũng trong phiên tham luận, ông Pablo Acebillo, chuyên gia cao cấp về Quy hoạch và Hạ tầng enCity đã đưa ra những quan điểm về Đô thị thông minh: Kinh nghiệm thế giới và mô hình cho Việt Nam. Ông đặt ra 3 vấn đề then chốt như định nghĩa và xu hướng của đô thị thông minh, hợp tác thông minh và phân kỳ thông minh. Theo ông Pablo, “đô thị thông minh là một hệ sinh thái mang lại môi trường sống chất lượng cao cho người dân, hỗ trợ bởi khung quy hoạch đô thị tích hợp, có sự tham gia của các bên liên quan và sử dụng nền tảng công nghệ, kết hợp với công nghệ thông tin và khả năng phân tích dữ liệu tiên tiến”. Hệ sinh thái này bao gồm các bên cung cấp giải pháp, bên thụ hưởng và hệ thống hạ tầng thông minh khác biệt bởi khả năng đưa ra các quyết định trong thời gian thực cho tất cả các bên một cách nhanh chóng, hiệu quả, bền vững và kinh tế.
Trước vấn đề được đặt ra “công nghệ thông minh tại sao lại trở thành xu hướng tất yếu ở giai đoạn này”, ông Pablo nhận định, công nghệ xuất hiện đã kiến tạo ra những cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị, làm thay đổi bối cảnh. “Đô thị thông minh trước hết là một đô thị - thành quả của sự tham gia, hành động và tương tác của hàng vạn con người, hàng trăm doanh nghiệp và hàng chục cơ quan có thẩm quyền. Do đó, xây dựng đô thị thông minh là xây dựng một cộng đồng thông minh và tham gia tích cực vào sự phát triển chung” – ông Pablo nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, mỗi thành phố ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau sẽ cần ưu tiên cấu phần đô thị thông minh khác nhau.
Ở góc độ doanh nghiệp phát triển dự án, ông Nguyễn Công Hồng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark đặc biệt nhấn mạnh vai trò của quy hoạch trong kiến tạo khu đô thị thông minh và đáng sống. Theo ông Hồng, quy hoạch chính là một khâu quan trọng quyết định tới chất lượng đầu ra của sản phẩm, góp phần kiến tạo nên không gian sống thực sự cho cư dân đô thị. Trong phiên thảo luận, các chuyên gia đã có những chia sẻ, bàn luận xoay quanh chủ đề làm thế nào để hiện thực hóa những khu đô thị thông minh và đáng sống; bài học ở các quốc gia trên thế giới - giải quyết những hạn chế và bất cập nào của đô thị hiện nay như ô nhiễm không khí, kẹt xe và ngập nước; và vai trò quan trọng của các nhà tư vấn quy hoạch trong việc tạo lập các khu đô thị thông minh và đáng sống, nâng cao chất lượng sống cho người dân trong một môi trường bền vững và nền kinh tế cạnh tranh.