Ngày 30/7, theo thông báo của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), GDP trong quý từ tháng 4-6/2021 đạt mức tăng trưởng 1,5% so với quý trước đó. Yếu tố chính dẫn tới mức tăng trưởng này là chi tiêu tiêu dùng cá nhân và chính phủ tăng mạnh.
Tuy nhiên, con số này vẫn ở dưới mức trước khủng hoảng COVID-19. Theo Cơ quan thống kê, so với quý IV/2019, GDP trong quý II vừa qua vẫn thấp hơn 3,4%. Đức cũng đồng thời điều chỉnh mức tăng trưởng trong quý đầu tiên năm nay.
So với quý trước đó, mức tăng trưởng trong quý I sụt giảm 2,1% so với mức dự báo trước đó là -1,8%. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến sản lượng kinh tế giảm đáng kể. Theo tính toán mới nhất, GDP của Đức giảm 4,9% vào năm 2020.
Những hạn chế đối với đời sống công cộng, kéo dài đến quý II, đã đè nặng lên tiêu dùng tư nhân cũng như trong ngành công nghiệp. Với những hạn chế đã được dỡ bỏ phần lớn kể từ tháng 5, tăng trưởng của Đức đã dần được phục hồi, dù chưa đạt mức kỳ vọng.
Mức tăng trưởng trong quý II thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế, vốn cho rằng mức tăng trưởng vào khoảng 2%. Ngành công nghiệp Đức vẫn đối mặt với những khó khăn liên tới tới sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Ngành sản xuất đang phải xử lý số đơn đặt hàng lớn khó có thể được thực hiện do sự tắc nghẽn giao hàng đối với nguyên liệu thô và bán thành phẩm.
Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm nay. Các viện nghiên cứu kinh tế gần đây đã dự đoán GDP của Đức sẽ tăng từ 3,2-3,9%, trong khi Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank nhận định tốc độ tăng trưởng sẽ được đẩy mạnh trong quá trình nền kinh tế dần mở cửa vào mùa Hè.
GDP có thể đạt mức trước khủng hoảng trong quý III hiện nay. Năm ngoái, đại dịch đã đẩy nền kinh tế Đức vào cuộc suy thoái sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Tuy nhiên, ngoài những tắc nghẽn trong việc phân phối hàng hoá, sự lây lan mạnh của biến thể Delta đang tạo ra sự bất trắc, ảnh hưởng tới niềm tin.
Kết quả cuộc khảo sát do Viện Ifo Munich tiến hành đã cho thấy sự hoài nghi gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong tương lai. Theo Chủ tịch Ifo, ông Clemens Fuest, tình trạng tắc nghẽn giao hàng đối với các bán thành phẩm và lo ngại về số ca lây nhiễm gia tăng trở lại đang đè nặng lên nền kinh tế Đức.
Ngày 29/7, Destatis cho biết lần đầu tiên trong 13 năm qua, tỷ lệ lạm phát trong tháng 7 vượt ngưỡng 3% lên tới mức 3,8%. Trong tháng trước, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 2,3%, điều làm dấy lên quan ngại về mức lạm phát mạnh hơn và kéo dài hơn. Nếu các chính trị gia quyết định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại bằng các gói đầu tư, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy lạm phát. Chuyên gia Friedrich Heinemann thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Âu (ZEW) cảnh báo trong vài tháng tới, Đức có thể sẽ trải qua đợt lạm phát tăng mạnh nhất trong ba thập kỷ.