Các đại diện của ngành bán lẻ Đức ngày 15/12 cho biết các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng tại nước này, mà khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa, đã làm dấy lên lo ngại về việc hàng nghìn người sẽ mất việc.
Trong một thông báo, Hiệp hội Bán lẻ Đức (HDE) cho biết khó có thể dự đoán tương lai của gần 50.000 cửa hàng với khoảng 250.000 nhân viên nếu không có sự hỗ trợ bổ sung của chính phủ. HDE nhấn mạnh ngành bán lẻ sẽ "không thể tồn tại nếu không có hỗ trợ tài chính phù hợp."
Để hạn chế số ca mắc COVID-19 gia tăng, Đức sẽ đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu từ ngày 16/12 cho ít nhất đến ngày 10/1/2021, ngoài các biện pháp đã được áp dụng từ tháng 11/2020 là đóng cửa các quán bar, nhà hàng, trung tâm giải trí và địa điểm văn hóa.
Chính phủ Đức hiện đang cam kết hỗ trợ 11,2 tỷ euro/tháng (13,6 tỷ USD/tháng) để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó bao gồm việc nâng trần viện trợ trực tiếp để bù đắp chi phí cố định cho các cơ sở buộc phải đóng cửa từ 200.000 euro lên 500.000 euro.
Theo Viện kinh tế IFW, ngay cả khi có sự cam kết hỗ trợ từ chính phủ, số người thất nghiệp có thể tăng từ 50.000-100.000 người do biện pháp đóng cửa mới nhất này.
IFW dự báo kinh tế Đức sẽ giảm khoảng 0,8% trong quý IV/2020 và khoảng 1,4% trong quý I/2021, đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu này rơi vào cuộc suy thoái kép, bất chấp sự phục hồi khả quan hồi mùa Hè.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức vẫn dự đoán nền kinh tế sẽ nhích nhẹ 0,4% trong quý IV/2020. Đức dự kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 5,5% trong năm 2020, trước khi chứng kiến sự phục hồi với mức tăng trưởng 4,4% năm 2021 và 2,5% năm 2022.