Với độ phân giải cực kỳ cao, những hình ảnh này cung cấp cái nhìn chi tiết chưa từng có về hàng triệu ngôi sao và thiên hà.
Được thực hiện qua 260 lần quan sát từ ngày 25/3 đến ngày 8/4 vừa qua, bức tranh khảm bao phủ chi tiết một vùng rộng 132 độ vuông của bầu trời phía Nam, tương đương diện tích lớn gấp 500 lần so với Mặt Trăng. Đây chỉ là 1% trong tổng diện tích bầu trời mà Euclid sẽ nghiên cứu trong sứ mệnh kéo dài. Kính thiên văn Euclid sẽ quan sát hình dạng, khoảng cách và chuyển động của hàng tỷ thiên hà, cách Trái Đất đến 10 tỷ năm ánh sáng, với mục tiêu xây dựng bản đồ vũ trụ 3D lớn nhất từ trước đến nay.
Bản đồ này đã ghi lại khoảng 14 triệu thiên hà cùng hàng chục triệu ngôi sao trong Dải Ngân hà. Dữ liệu từ Euclid không chỉ giúp nghiên cứu cấu trúc vũ trụ mà còn hỗ trợ các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tác động của vật chất tối và năng lượng tối – hai thành phần chiếm tới 95% vũ trụ nhưng vẫn chưa được giải thích đầy đủ.
Bà Valeria Pettorino, nhà khoa học thuộc dự án Euclid tại ESA, nhận định bức tranh khảm này mở ra những cơ hội mới trong việc nghiên cứu vũ trụ. Bà nhấn mạnh rằng những hình ảnh tuyệt đẹp này chỉ đại diện 1% diện tích khảo sát, nhưng đã cung cấp vô số thông tin quan trọng giúp các nhà khoa học khám phá thêm về vũ trụ.
Những hình ảnh từ Euclid còn cung cấp cái nhìn chi tiết về cụm thiên hà Abell 3381, nằm ở bên phải của bức tranh khảm, cùng những ngôi sao trong Dải Ngân hà. Sử dụng camera quang học và hồng ngoại, Euclid đã ghi lại những ngôi sao có nhiệt độ khác nhau với các màu sắc từ đỏ đến trắng hoặc xanh. Đặc biệt, những đám mây bụi và khí, còn gọi là "xiếc thiên hà", xuất hiện nổi bật giữa các ngôi sao nhờ vào khả năng quan sát siêu nhạy của Euclid.
Kính viễn vọng Euclid, được phóng lên vũ trụ vào tháng 7/2023, chính thức bắt đầu quan sát khoa học vào tháng 2 vừa qua. Tính đến nay, sứ mệnh đã hoàn thành 12% kế hoạch khảo sát vũ trụ. Những kết quả ban đầu từ Euclid hứa hẹn sẽ mang lại nhiều phát hiện quan trọng, góp phần giải đáp các câu hỏi về nguồn gốc và cấu trúc của vũ trụ.