Kita Group: Hệ sinh thái kinh doanh ‘bết bát’, tổng tài sản ‘bốc hơi’ 80% chỉ sau một năm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dù hệ sinh thái liên tục được mở rộng với nhiều công ty thành viên, thế nhưng các hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong Công ty Cổ phần Tập đoàn Kita Group (Kita Group) đều đang kinh doanh “bết bát”, thua lỗ.
Doanh nhân Nguyễn Duy Kiên - cổ đông sáng lập Kita Group.
Doanh nhân Nguyễn Duy Kiên - cổ đông sáng lập Kita Group.

Doanh thu chỉ mang tính tượng trưng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Kita Group (Kita Group) là doanh nghiệp khởi điểm từ lĩnh vực buôn bán đồ uống. Hai cổ đông sáng lập Kita Group là vợ chồng ông Nguyễn Duy Kiên (SN 1969, nắm 55% vốn điều lệ) và bà Đặng Thị Thùy Trang (SN 1979, nắm 22,5% vốn điều lệ). Việc đặt tên Công ty là "Kita" cũng được bắt nguồn từ sự kết hợp giữa tên của cặp vợ chồng doanh nhân này.

Mặc dù, doanh thu quanh năm chỉ mang tính tượng trưng, thế nhưng từ tháng 9/2018, Kita Group bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực đầu tư bất động sản, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình thay đổi doanh nghiệp. Cũng từ đây, quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu của Kita Group được điều chỉnh tăng chóng mặt; cùng với đó là quá trình mở rộng hệ sinh thái các công ty con sau khi chuyển hướng kinh doanh.

Thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của Kita Group đã đạt hơn 2.700 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh từ 295,8 tỷ đồng lên 691,6 tỷ đồng. Trong năm 2020, không hiểu vì lý do gì mà quy mô của Kita Group lại bất ngờ “teo tóp” đáng kể; với tổng tài sản “bốc hơi” 2.190 tỷ đồng (tương đương gần 80%) – từ hơn 2.700 tỷ đồng xuống còn 557 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng thực hiện giảm vốn điều lệ khiến vốn chủ sở hữu giảm 62% xuống ở mức 261 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong khi quy mô tài sản của Kita Group có thời điểm lên đến hàng nghìn tỷ đồng như vậy, thế nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại khá “bết bát”, không hề tương xứng với quy mô tài sản. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2018, doanh thu của Kita Group gần như bằng không, trước khi phát sinh đột biến bất ngờ 23 tỷ đồng năm 2019, nhưng vẫn lỗ hơn 100 triệu đồng.

Năm 2020, Kita Group không phát sinh doanh thu và có khoản lỗ lên đến 32,5 tỷ đồng. Việc thua lỗ triền miên cũng là một phần nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu của Kita Group bị bào mòn đến mức trầm trọng, thậm chí khiến giới đầu tư cho rằng Kita Group đang đối diện nguy cơ khánh kiệt tài sản.

Kita Group: Hệ sinh thái kinh doanh ‘bết bát’, tổng tài sản ‘bốc hơi’ 80% chỉ sau một năm ảnh 1

Kinh doanh thua lỗ, Kita Group vẫn đầu tư hàng loạt dự án?

Hệ sinh thái của Kita Group trong những năm gần đây liên tục được mở rộng, với nhiều công ty thành viên; đáng chú ý nhất trong số này phải kể đến Kita Land. Được thành lập từ tháng 12/2018 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Kita Land có các cổ đông sáng lập bao gồm :ông Nguyễn Duy Kiên và bà Đặng Thị Thùy Trang, cùng một cổ đông cá nhân khác. Trong đó, nhóm cổ đông liên quan đến Kita Group sở hữu tới 99% vốn điều lệ.

Cũng giống như Kita Group, hạt nhân Kita Land liên tục thực hiện việc tăng vốn điều lệ. Tính đến ngày 18/4/2019, quy mô vốn điều lệ của Kita Land đã tăng gấp 6 lần so với ban đầu, ở mức 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này sau đó dường như đã có động thái thực hiện giảm vốn điều lệ. Cụ thể, vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2019 của Kita Land ở mức rất “khiêm tốn” – chỉ khoảng gần 700 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Kita Land lên đến gần 3.400 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần so với thời điểm đầu năm 2019; nhưng chỉ một năm sau đó đã bị thu hẹp xuống còn 2.742 tỷ đồng. Và dù đã phát sinh doanh thu từ năm 2020 với 24,4 tỷ đồng, nhưng khoản lỗ của Kita Land vẫn tiếp tục bị đào sâu xuống gần 5 tỷ đồng.

Điểm sáng duy nhất khiến Kita Land được chú ý, đó là doanh nghiệp này từng xuất hiện trong một dự án lớn tại Đà Nẵng, vì có liên quan đến một Tập đoàn đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực bất động sản và năng lượng. Đầu năm 2019, Kita Land và Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội đã ký kết hợp đồng về việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp tác phát triển dự án Golden Hills City và dự án Vệt 50m tại TP. Đà Nẵng.

Không chỉ nắm giữ Kita Land, ông Nguyễn Duy Kiên còn giữ nhiều vị trí cấp cao tại các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Kita Group như: nắm 98% vốn điều lệ Công ty CP Kita Link; nắm 70% vốn điều lệ Công ty cổ phần Kita Construction (Kita Group nắm 30% còn lại); nắm 85% vốn điều lệ Công ty cổ phần Kita Holdings (Kita Group nắm 15% còn lại) và đặc biệt trong số đó chính là Công ty CP Kita Invest.

Được thành lập từ tháng 1/2019, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 27 Lê Quý Đôn (phường 7, quận 3, TP.HCM); Kita Invest vốn được biết đến là đại diện tham gia đấu giá trong các hoạt động phát mãi tài sản đảm bảo nhằm thu hồi nợ xấu của một ngân hàng TMCP lớn tại TP.HCM. Doanh nghiệp này cũng được xem như nền tảng chính để hình thành nên một phần đáng kể quỹ đất mà Kita Group hiện đang sở hữu.

Vẫn giữ kịch bản quen thuộc như các doanh nghiệp mang “họ Kita” khác, chỉ chưa đầy một tháng sau khi thành lập, Kita Invest đã tăng mạnh quy mô vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên mức 1.150 tỷ đồng. Tháng 6/2019, ông Nguyễn Duy Kiên đã nhường lại vị trí Chủ tịch HĐQT Kita Invest cho ông Đỗ Xuân Cảnh (SN 1977).

Quá trình tìm hiểu cho thấy, Kita Invest đã thực hiện đấu giá thành công khu đất có thời hạn sử dụng lâu dài rộng tới hơn 60ha, thuộc dự án Khu dân cư phường Bình Thủy (tỉnh Cần Thơ). Năm 2018, khu đất này được ngân hàng cho vay tổ chức đấu giá với mức giá khởi điểm là 3.652 tỷ đồng. Ngay sau khi thương vụ mua bán này thành công vào năm 2019, khu đất đã đặt tên là dự án Stella Mega City, giúp nâng tổng giá trị tài sản của Kita Invest lên con số hơn 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh Stella Mega City, hệ sinh thái của Kita Group còn sở hữu một dự án khác có tên Stella 927 (phường 1, quận 5, TP.HCM). Dự án Stella 927 cũng được rao bán từ tầng 12 đến tầng 27 bởi cùng một ngân hàng đã tổ chức bán đấu giá dự án Stella Mega City trước đó. Ngoài ra, Kita Group còn sở hữu nhiều dự án bất động sản cao cấp khác như: dự án Stella 1595 tại quận 7 (TP.HCM); dự án Stella Quốc Oai (huyện Quốc Oai, Hà Nội) và hiện âm thầm mở rộng hoạt động tại thị trường bất động sản tiềm năng ở TP. Đà Nẵng.

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Kita Invest tiếp tục tăng vọt lên 7.780 tỷ đồng chủ yếu đến từ nguồn nợ phải trả trong khi vốn chủ sở hữu chỉ nhích nhẹ lên 1.205 tỷ đồng. Nợ phải trả của Kita Invest cũng chiếm đến gần 85% tổng tài sản; trong đó nhiều khả năng sự gia tăng này đến từ nguồn đi vay. Đáng chú ý, Kita Invest thậm chí còn lỗ tới 30,3 tỷ đồng dù doanh thu tăng gấp 4 lần lên mức 528 tỷ đồng.

Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
(Ngày Nay) - Phở ra đời trong bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầu thế kỷ 20 và được coi là món ăn quốc dân của Việt Nam, vượt qua thời gian để trở thành biểu tượng ẩm thực độc đáo. Từ những gánh hàng rong đến những quán phở gia truyền và hàng loạt chuỗi nhà hàng cao cấp, phở đã trở thành câu chuyện văn hóa và kinh tế mang tính biểu tượng.
Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng mời đại biểu, khách mời thưởng thức nem. Ảnh: Trường Dụy/PV TTXVN tại Italy
Phở và nem Việt Nam chinh phục thực khách Italy
(Ngày Nay) - Ngày 12/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức sự kiện “Ngày Phở và Nem tại Italy” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và thúc đẩy du lịch Việt Nam.