Sáng 21/4, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020 khi mà học sinh cả nước phải nghỉ học kéo dài vì dịch COVID-19. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.
Đây là lần thứ hai từ đầu tháng 4/2020 đến nay, Bộ GD-ĐT trình Thường trực Chính phủ về phương án tổ chức thi THPT năm nay.
Theo phương án đề xuất của Bộ GD-ĐT, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6 và như vậy vẫn quyết tâm tổ chức kỳ thi vào giữa tháng 8 bên cạnh tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh việc dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình.
Dù vẫn tổ chức thi nhưng tên gọi của kỳ thi sẽ là "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" thay vì "thi THPT quốc gia" như trước bởi kỳ thi chỉ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.
Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm về khâu tổ chức thi, chấm thi. Cụ thể như sau, UBND tỉnh, thành phố sẽ là đơn vị tổ chức kỳ thi. Việc tổ chức coi thi sẽ do từng địa phương quyết định nhưng phải đảo giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.
Về việc chấm thi: Đối với các môn thi trắc nghiệm sẽ được chấm trên máy tính. Còn đối với các bài thi tự luận thì các địa phương sẽ tổ chức chấm thi như mọi năm.
Về đề thi: Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi cho kỳ thi, không ra vào phần giảm tải, đảm bảo học gì thi nấy. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn sẽ có 5 bài thi bao gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (bắt buộc) và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Đối với các môn thi trắc nghiệm thì mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng. Còn đối với bài thi tổ hợp thì sẽ chỉ có một đầu điểm chung (không có riêng các môn như những năm trước).
Với mục tiêu xét tuyển ĐH, năm nay các trường ĐH sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng luật Giáo dục đại học trên tinh thần các trường đã có sự chuẩn bị lâu nay.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có một số điểm mới |
Cũng trong cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nằm trong bối cảnh dịch COVID-19 nên chúng ta phải điều chỉnh cả về thời gian và lượng kiến thức.
Bên cạnh đó, kỳ thi diễn ra sau khi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực, đúng với lộ trình đổi mới giáo dục, đổi mới thi cử dạy và học ở phổ thông từ 5 năm nay; cũng như đổi mới ở bậc đại học là tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm định.
Kỳ thi này vẫn thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh đại học là quyền tự chủ của các trường đại học.
Nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo yêu cầu cải tổ trước một kỳ thi nghiêm túc khách quan, trung thực, không nặng nề quá mức cần thiết.
"Toàn xã hội quan tâm tới thi cử, mặc dù thi là quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhưng cũng như mọi năm, Bộ phải hoàn thiện phương án thi tốt nhất phù hợp với thực tế và tiếp tục các giải pháp chống dịch COVID-19 để báo cáo Chính phủ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, các phương án mà Bộ đưa ra đều tính toán cho phù hợp nhất với tình hình dịch COVID-19 và đảm bảo khách quan, trung thực.
Trên cơ sở thống nhất của các đại biểu, Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện để báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
“Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát để đảm bảo mục đích của kỳ thi, khách quan, trung thực và minh bạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học xét tuyển. Đồng thời, sẽ công bố sớm để các trường, các địa phương vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo việc học và dạy, đáp ứng kỳ thi tốt nhất”, Bộ trưởng Nhạ nói.