Ký ức kinh hoàng của người sống sót
Với những ai may mắn sống sót như hướng dẫn viên leo núi Sayuri Ogawa, sự việc hôm 27/9 là một trải nghiệm cận kề cái chết. May mắn và bản năng đã làm nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết cho những người leo núi trong hoàn cảnh nguy hiểm.
Sau khi tận mắt chứng kiến vụ núi lửa Ontake phun trào, một vài người kể lại rằng họ chỉ kịp quyết định trong giây lát, hoặc trốn sau những tảng đá lớn hoặc trú ẩn trong những nhà nghỉ. Phía ngoài, nhiều người khác đã ngã, bị đá lăn vào hoặc có thể ngạt thở vì khí độc và nhanh chóng bị chôn vùi dưới lớp tro bụi dày tới đầu gối.
Núi lửa Ontake đột ngột phun trào khiến nhiều ngườitrải qua những khoảnh khắc cận kề cái chết |
Mùi lưu huỳnh nồng nặc, những hòn đá to như chiếc xe tải lăn qua chỗ họ trú. Đá rơi liên tục như mưa, nghĩ mình sắp chết, nhiều người cố vùng dậy chạy đến chỗ một nhà nghỉ, mặc cho lớp bụi đã ngập đến đầu gối.
Thương tâm nhất vẫn là cuộc điện thoại thông báo của một cậu bé gọi về cho mẹ. Đó cũng là lần cuối cùng họ được nói chuyện với nhau.
"Nó bảo tôi rằng núi lửa đang phun trào. 'Kết thúc rồi. Giờ thì con chết mất' và sau đó điện thoại bị ngắt", Asahi TV (Nhật Bản) dẫn lời kể của người phụ nữ trung tuổi trong phút cuối được nghe tiếng con nói.
Không chỉ riêng người mẹ này có cảm giác bất lực, Seiichi Sakurai, làm việc tại một trong những cabin gần đỉnh núi lửa, chia sẻ với phóng viên đài địa phương rằng anh đã cố hết sức để giúp mọi người nhưng chẳng thể cứu nổi ai.
"Tro bụi liên tục trào ra. Nhiều người bị chôn sống nhưng tôi không thể làm gì được cho họ", Seiichi kể về nỗi ám ảnh trong anh.
Những người leo núi trú ẩn trong một ca bin bên sườn núi |
Một nhân chứng khác cho hay bà nghe thấy những thanh âm cuối cùng của một nạn nhân bị thương do "dòng thác đá" ập xuống.
"Có ai đó nằm ngoài cabin sau khi bị đá rơi vào lưng. Anh ta đang nói 'đau quá, đau quá' nhưng khoảng nửa giờ sau đã im lặng", nhân chứng nhớ lại.
Chia sẻ trên tờ Yomiuri (Nhật), người đàn ông thoát nạn khi cái chết cận kề nhìn thấy cậu bé hét lớn "nóng quá" và "tôi không thể thở" gần đỉnh núi, trước khi đám mây bụi biến mọi thứ trở thành màu đen rồi chìm vào yên lặng.
Giác quan thứ sáu dường như đã giúp Hidenari Hayashi, một hướng dẫn viên du lịch chuyên ở những vùng núi miền trung Nhật, thoát chết. Nhóm của anh có khoảng 40 người leo núi, hầu hết là người lớn. Họ bắt đầu từ sáng sớm và đến giữa buổi đã rời khỏi đỉnh núi. Lúc đi bộ quanh miệng núi lửa, anh phát hiện mùi lưu huỳnh bất thường mà những lần leo trước không thấy. Một vài người trong đoàn của anh kêu đau đầu vì mùi ấy.
"Nếu ở lại hai tiếng sau, chúng tôi sẽ là những người đầu tiên gặp nạn. Thật may là tôi vẫn còn sống", Hayashi chia sẻ.
Và nỗi đau của gia đình nạn nhân
Nhiều gia đình nạn nhân chờ đợi suốt nhiều giờ chỉ mong có thông tin của người thân. Người cha nước mắt giàn dụa, nức nở không nói nên lời khi con trai và bạn gái của cậu vẫn bặt vô âm tín kể từ sau khi núi lửa "thức giấc". Ông cầm chặt bức ảnh của hai người trong tay như muốn nén nỗi đau.
Trước khi thảm kịch xảy ra, nhiều người đang tận hưởng cảnh đẹp ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển. Không ít người tháo giày và để đôi chân nghỉ ngơi sau buổi sáng leo núi. Số khác đang nấu mì tôm bằng bếp lò cầm tay. Chẳng bao lâu sau đó, họ phải bò lổm ngổm tới nơi trú ẩn và chạy thục mạng để thoát thân.
Reuters dẫn thông báo từ cảnh sát cho biết họ đã tìm được ít nhất 36 người trong tình trạng "tim ngừng đập". Cảnh sát chỉ xác nhận 10 người chết, hơn 60 người bị thương, trong đó một số bị gãy xương, và còn 8 người mất tích. Ở Nhật Bản, việc xác nhận cuối cùng về người thiệt mạng luôn phải chờ khám nghiệm y tế.
Lực lượng cứu hộ đưa những thi thể được tìm thấytrên núi lên trực thăng |
Nhân viên cứu hộ làm việc ngày đêm để tìm kiếmngười sống sót và đưa thi thể nạn nhân về nhà |
Hơn 500 nhân viên cứu hộ hôm qua tiếp tục tìm kiếm trên núi Ontake, đang bị phủ một lớp tro dày tới đầu gối. Tám thi thể đã được trực thăng đưa xuống chân núi trước khi lực lượng cứu hộ phải tạm dừng cuộc tìm kiếm do khí độc phát ra và lớp tro bụi dày đặc.
Ngọn núi Ontake nằm cách Tokyo khoảng 200 km về phía tây, là một địa danh nổi tiếng để ngắm lá mùa thu.
Đỉnh Ontake nằm ở vùng giáp ranh giữa quận Nagano và Gifu, trên hòn đảo Honshu, Nhật Bản. Lần phun trào mới đây nhất của núi lửa này là vào năm 1979.