Kỳ vọng hiện thực hóa các chế độ, chính sách mới dành cho giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thiếu giáo viên không phải vấn đề mới, song năm 2022 là năm vấn đề này bộc lộ rõ nhất. Không chỉ thiếu giáo viên, tình trạng giáo viên nghỉ việc do các nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc và nhiều giáo cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa cũng là vấn đề nổi cộm của năm 2022.
Kỳ vọng hiện thực hóa các chế độ, chính sách mới dành cho giáo viên

Trước thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách, quy định đối với đội ngũ nhà giáo để giáo viên yên tâm công tác, phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong giảng dạy. Đội ngũ giáo viên trên cả nước cũng kỳ vọng những chế độ, chính sách mới sẽ sớm được hiện thực hóa.

Luật Nhà giáo - cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển đội ngũ

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách đặt ra, gồm cả việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục đại học; đồng thời cũng giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên đang đặt ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến trong năm 2023 sẽ xây dựng, lấy ý kiến thẩm định của các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo Bộ trưởng, bộ luật này sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ, chăm lo chế độ, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, quản trị đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững.

Trong dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất một số chính sách. Thứ nhất, định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo. Mục tiêu của chính sách này là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với công tác phát triển đội ngũ và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác này. Trong đó, đề cao tiêu chuẩn đầu tiên về đạo đức, phong cách, chuyển các yêu cầu của Trung ương Đảng và Nhà nước về xây dựng đạo đức, phong cách nhà giáo thành quy phạm pháp luật; làm rõ định hướng nghề nghiệp của giáo viên và nhấn mạnh giáo viên đảm nhận sứ mệnh giáo dục con người cho Đảng, ươm mầm tài năng và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Thứ hai là chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhằm khắc phục các bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý để tuyển dụng vào ngành những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.

Thứ ba, phát triển nghề nghiệp nhà giáo nhằm xây dựng hệ thống đào tạo nhà giáo đảm bảo chất lượng, nhấn mạnh đến việc tăng cường đào tạo, xây dựng cơ chế cụ thể về việc đào tạo sinh viên sư phạm. Dự thảo cũng xác định các vấn đề về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục và có cơ hội hợp tác quốc tế một cách thực chất, hiệu quả.

Thứ tư, dự thảo xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề; đồng thời tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao. Bên cạnh đó, dự thảo nêu việc thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm họ được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người.

Thứ năm, dự thảo đề cập đến việc khắc phục các bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước về nhà giáo thời gian vừa qua; làm cơ sở thực hiện phân cấp, thống nhất từ trung ương đến địa phương trong quản lý nhà giáo, tạo điều kiện cho nhà giáo tự do trong học thuật, phát triển chuyên môn nghiệp vụ.

Tán thành với việc cần xây dựng Luật Nhà giáo để tháo gỡ những khó khăn, bất cập thời gian qua, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, khi có luật thì cả xã hội phải tuân theo, từng người dân sẽ có trách nhiệm thực hiện và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo. Bản thân mỗi thầy cô giáo sẽ tự soi mình để rèn giũa, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Trên hết, nhà giáo sẽ được xã hội tôn vinh xứng đáng. Xây dựng Luật Nhà giáo cũng góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống quản trị nhà trường.

Xây dựng chính sách tiền lương mới để thu hút và giữ chân giáo viên

Để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cụ thể, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng.

Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên như: Hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, học tập, nâng cao trình độ…; xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho thầy, cô giáo trong quá trình công tác. Mặt khác, các địa phương cần có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Việc ban hành Nghị định nhằmtạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới; đồng thời thể hiện rõ quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.

Theo dự thảo tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phụ cấp ưu đãi nhà giáo với mức từ 25% đến 100%. Trong đó, đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%. Giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Các nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đều được hưởng phụ cấp. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được vận dụng thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị.

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) chia sẻ: "Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống chính là lí do khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề, rẽ sang hướng khác. Thực tế, nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống. Do đó, nếu Nhà nước không kịp thời có những chính sách hỗ trợ giáo viên thì số lượng thầy, cô giáo bỏ việc thời gian tới có thể còn gia tăng".

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, nếu đề xuất về phụ cấp ưu đãi nhà giáo thành hiện thực sẽ phần nào khắc phục được những khó khăn, vướng mắc về thu nhập cho giáo viên; đồng thời giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, tạo công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho đội ngũ nhà giáo.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh cũng mong muốn đề xuất này sớm được chấp thuận và đi vào đời sống thực tiễn. Bởi nếu so với cùng trình độ đào tạo thì hiện nay, mức thu nhập ở các ngành nghề khác vẫn cao hơn. Việc kịp thời ban hành các chế độ, chính sách mới đối với giáo viên sẽ giúp ngăn chặn "làn sóng" đua nhau bỏ việc của giáo viên, nhất là với giáo viên mầm non, đồng thời góp phần củng cố niềm tin cho các thầy, cô giáo.

Điểm nhấn đáng chú ý của dự thảo là dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ giáo viên mầm non, cô Đinh Thị Phương, giáo viên Trường Mầm non Văn Phú (huyện Thường Tín, Hà Nội) hy vọng, đề xuất này sớm thành hiện thực để thu nhập của giáo viên mầm non, nhất là với giáo viên trẻ mới vào nghề được cải thiện. Sự đồng hành của Nhà nước đối với cuộc sống nhà giáo vốn còn nhiều khó khăn sẽ tiếp thêm động lực để giáo viên thêm yêu và gắn bó với nghề.

Vấn nạn bỏ học ở Nhật Bản
Vấn nạn bỏ học ở Nhật Bản
(Ngày Nay) - Để đối phó với tình trạng học sinh bỏ học ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách mới nhằm tạo ra một môi trường học đường an toàn, thân thiện và phù hợp với nhu cầu của từng trẻ nhỏ .
Tập đoàn Tân Á Đại Thành tự hào được vinh danh trong Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024.
Tập đoàn Tân Á Đại Thành được vinh danh trong Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024
(Ngày Nay) - Vừa qua, Tân Á Đại Thành đã được vinh danh trong Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, đồng thời, Tập đoàn cũng đứng trong Top 5 nơi làm việc tốt nhất nhóm ngành hàng Sản xuất Chế biến Chế tạo Công nghiệp, theo công bố của Anphabe. Đây là minh chứng cho những thành tựu của Tập đoàn trong việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp , sáng tạo và bền vững.
Ukraine mất dần lợi thế ở vùng Kursk của Nga
Ukraine mất dần lợi thế ở vùng Kursk của Nga
(Ngày Nay) - Tình hình chiến sự tại vùng Kursk của Nga đang trở nên bất lợi cho Ukraine khi Nga gia tăng lực lượng nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Trong khi đó, tình hình ở mặt trận phía Đông Ukraine cũng đang diễn biến phức tạp.
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
(Ngày Nay) - Theo một nghiên cứu mới được công bố, mức sử dụng kháng sinh trên toàn cầu đã tăng 21% kể từ năm 2016, làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Phân tích dữ liệu từ 67 quốc gia cho thấy xu hướng gia tăng đáng báo động này.
Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.