Hiện nay bệnh tay - chân - miệng (TCM) đã bắt đầu xuất hiện những ca bệnh, đặc biệt có những ca bệnh nặng phải theo dõi và điều trị tại phòng cấp cứu.
Các trường hợp diễn biến nặng
Ghi nhận tại khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), hiện khoa đang tiếp nhận khoảng 15 - 20 trường hợp mắc bệnh TCM, thế nhưng, có đến 30% trường hợp mắc bệnh diễn tiến nặng, đang được theo dõi và điều trị tại phòng cấp cứu.
Hiện phòng cấp cứu của khoa đang điều trị cho hai bệnh nhi có biến chứng tim mạch làm cao huyết áp. Cả hai bệnh nhi đang được gắn huyết áp động mạch để theo dõi sát tình hình.
BS Tiêu Châu Thy, Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, ghi nhận trên các trẻ nhập viện điều trị, trẻ mắc tay chân miệng chủ yếu là do các loại vi rút thuộc họ đường tiêu hóa (Entero virus), trong đó Entero virus 71 (EV71) là tuýp vi rút khiến tỷ lệ bệnh nhân nặng gia tăng. Đây là tuýp vi rút thuộc họ đường tiêu hóa gây bệnh nặng, có khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp, nhưng rất nguy hiểm như biến chứng màng não do vi rút, biến chứng viêm não hoặc tổn thương cơ tim, có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Tiêu Châu Thy, Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang khám cho một trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng. |
Nhận biết dấu bệnh
Bệnh TCM xuất hiện quanh năm, số ca mắc tay chân miệng thường có xu hướng gia tăng trong khoảng từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12. Bên cạnh EV71 thì nguyên nhân thường gặp khác của Entero virus là Coxsackie A16.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong ổ miệng và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ. Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh TCM là tình trạng loét miệng. Thường gặp nhất là loét ở vùng hầu họng, đôi khi ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi. Loét miệng khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống, đây là lý do khiến trẻ không chịu ăn, bỏ bú và thường chảy nước miếng liên tục; kèm theo đó trẻ có thể bị sốt.
Về mức độ nặng của TCM sẽ có biến chứng thần kinh, các bé sẽ giật mình nhiều. Có thể có những biến chứng làm run giật, yếu liệt chi, biến chứng lên tim mạch, tăng huyết áp, biến chứng lên não, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong. Trong đó, hầu hết trẻ mắc bệnh ở mức độ nặng chủ yếu là dưới 5 tuổi. Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số trường hợp tử vong vì bệnh TCM chủ yếu do EV71 gây ra, tỉ lệ tử vong phổ biến nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 75% - 86% trong tổng số các trường hợp tử vong vì bệnh TCM ở trẻ em).
Bác sĩ Tiêu Châu Thy khuyến cáo: Không phải tất cả các trẻ bị TCM đều diễn tiến đến mức độ nặng, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ bệnh nặng đang tăng cao. Do đó khuyến cáo các bậc phụ huynh nên theo dõi sát con em của mình. Khi trẻ bị bệnh TCM cần đưa trẻ đến khám và điều trị cho trẻ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tùy theo chủng vi rút và mức độ bệnh, trẻ sẽ được chỉ định điều trị tại bệnh viện hoặc tại nhà. Trong quá trình điều trị, phụ huynh cần kịp thời nhận biết các biểu hiện diễn tiến nặng để kịp thời can thiệp cấp cứu, điều trị tích cực cho trẻ. Phát hiện và điều trị muộn có thể dẫn đến những rủi ro gây tác hại xấu đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM hiện đang điều trị nhiều ca bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng. |
Chủ động phòng bệnh cho trẻ
Hiện nay học sinh đã trở lại trường học, môi trường tiếp xúc đông người là điều kiện thuận lợi khiến vi rút có khả năng lây lan nhanh hơn. Do đó phụ huynh và nhà trường cần chủ động các biện pháp để phòng ngừa cho trẻ. Đặc biệt là ở các trẻ nhỏ tuổi (mầm non, nhóm trẻ) khi ý thức và khả năng tự giữ gìn vệ sinh cá nhân còn hạn chế.
Theo đó, hiện nay tại các nhà trường đã thực hiện nguyên tắc “5K” (Khử khuẩn, khẩu trang, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế), bên cạnh phòng chống COVID-19. Nguyên tắc này cũng giúp phòng ngừa nhiều bệnh lưu hành khác. Tuy nhiên bệnh TCM đang vào mùa trở lại, các biện pháp cần được tập trung và chủ động thực hiện hơn trước. Đối với những trẻ ở độ tuổi tiểu học trở lên cần thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở trẻ thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi chơi. Không dùng chung các dụng cụ học tập và dụng cụ ăn uống, vệ sinh sạch sẽ nơi học tập, vui chơi của trẻ.
Ở những trẻ nhỏ tuổi, các trẻ mầm non, nhóm trẻ tư thục, để phòng ngừa bệnh cần sự chăm chút hơn từ đội ngũ giáo viên, bảo mẫu. Cần thực hiện vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, tay nắm cửa, phòng ốc học tập của trẻ; giúp đỡ trẻ trong việc giữ vệ sinh cá nhân.
Bên cạnh phòng ngừa, phụ huynh và giáo viên cần nhận biết sớm các dấu hiệu mắc bệnh của trẻ, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị. Trẻ xác định đã mắc bệnh TCM phải được nghỉ học ít nhất 10 ngày, kể từ ngày khởi phát để ngăn chặn sự lây nhiễm cho các trẻ khác trong môi trường học đường.
Nếu gia đình có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ mắc bệnh; sử dụng thuốc điều trị tại nhà cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Người lớn sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạnh chế sự lây lan khi chăm sóc trẻ lành. Cần thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ mắc bệnh để giúp trẻ mau lành bệnh, đồng thời tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ khỏe mạnh hơn.