Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua có rất nhiều điều để lại ấn tượng. Trong đó, sự đổi mới của việc xây dựng Quốc hội điện tử chính là cách đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên, Quốc hội áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp.
Thu hẹp khoảng cách giữa cuộc sống và luật pháp
Quốc hội điện tử là một thuật ngữ mô tả việc áp dụng công nghệ số và các đột phá công nghệ thông tin truyền thông để nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nghị viện và mở rộng sự tương tác giữa các nghị sĩ và cử tri. Nói một cách đơn giản thì Quốc hội điện tử là các hoạt động của Quốc hội được trang bị các phương thức hiện đại để hoàn thành tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình.
Cử tri đánh giá kỳ họp Quốc hội thứ 7 vừa qua đã tạo tiền đề cho một bước đột phá. Đổi mới này cũng tiếp tục đặt cử tri là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, sử dụng những công cụ số để nâng cao hoạt động nghị viện, tăng cường sự tương tác với cử tri.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. |
Với nỗ lực đổi mới không ngừng của Quốc hội Việt Nam, khoảng cách giữa cuộc sống và luật pháp sẽ ngày càng được thu hẹp. Vai trò của Quốc hội trong việc thể chế hóa đường lối, tạo hành lang pháp lý cho công tác điều hành của Chính phủ càng được khẳng định, mối quan hệ của đại biểu và cử tri càng thêm gắn bó mật thiết.
Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, lần đầu tiên Văn phòng Quốc hội thí điểm triển khai việc sử dụng phần mềm được thiết kế riêng cho các đại biểu Quốc hội. Thông qua điện thoại thông minh, các đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận các tài liệu, thông tin về kỳ họp, về lịch làm việc, về vị trí chỗ ngồi hay thông tin báo chí. Điều này không chỉ làm giảm lượng văn bản giấy gửi tới các đại biểu mà còn giúp duy trì tương tác liên tục giữa các đại biểu đối với cử tri trong và cả sau kỳ họp.
Đại biểu Quốc hội nói gì?
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có thể hỗ trợ đại biểu trong công tác lập pháp như: đưa ra thông tin, nghiên cứu, thống kê và giới thiệu pháp luật Quốc tế để so sánh với pháp luật Việt Nam rồi tra cứu lịch sử các kì họp trước thảo luận những gì, tổng hợp ý kiến cử tri và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, với việc dễ dàng truy cập qua điện thoại thì các Đại biểu Quốc hội có thể trao đổi với nhau và đề nghị được cung cấp tài liệu khi có nhu cầu ngay lập tức.
Đại biểu Lâm Đình Thắng - đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Tôi thấy kỳ họp thứ 7 diễn ra chỉ có 19 ngày, ít hơn các kỳ họp khác nên tôi đánh giá có nhiều sự đổi mới và nhiều điểm rất đáng ghi nhận, ví dụ như Quốc hội kỳ này thực sự là một Quốc hội điện tử trong việc chuyển tải các thông tin, ý kiến của người dân, hay các tài liệu kỳ họp và việc xin ý kiến của đại biểu rất nhanh chóng, hiệu quả, giúp cho những người không chuyên về lĩnh vực đó có nhiều thông tin, nhiều khía cạnh khác nhau để có thể biểu quyết một cách chính xác nhất vấn đề đặt ra”.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội đã cải tiến việc lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội từ hình thức bằng văn bản sang hình thức bằng bảng điện tử. Qua đó giúp việc lấy ý kiến được chính xác, nhanh chóng và thuận tiện hơn, nhất là trong việc phục vụ tổng hợp các ý kiến cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội thì đổi mới này đã cho thấy Quốc hội gần dân và công khai, minh bạch trong các hoạt động của mình: “Tôi nghĩ các phương thức lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với một số vấn đề cụ thể rất minh bạch. Qua đó, người dân nắm được các chính kiến của đại biểu Quốc hội cũng từ mong muốn của cử tri. Có một phương thức mới là bấm nút tại hội trường đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, sau đó căn cứ trên những ý kiến thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc, giải trình và tiếp thu. Tôi đánh giá đây là một cách rất hay, cặn kẽ và rất minh bạch”.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thì việc áp dụng công nghệ 4.0, những tài liệu được cập nhật liên tục mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho các đại biểu: “Lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo vào trong việc điều hành, đặc biệt là các đại biểu được phát Ipad trong đó có đầy đủ các chương trình, nội dung dễ theo dõi. Đặc biệt, các chương trình đó được đính kèm các tài liệu. Như vậy thì không phải in ấn tài liệu rất tốn kém, mỗi kỳ họp chúng tôi phải mang về hàng chục kg giấy”.
Còn ông Nguyễn Văn Pha – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận xét: “Điều này cũng có những cải tiến như vấn đề xin ý kiến đại biểu bằng bấm nút điện tử đã mang lại kết quả rất tốt. Tôi thấy đa số đại biểu rất hào hứng trong việc này. Tuy nhiên, trước đây khi xin ý kiến bằng giấy thì đại biểu có thể đọc kỹ hơn, còn hiện nay khi sử dụng bấm nút điện tử có một số ít đại biểu có thể chưa kịp đọc kỹ”.
Kết nối Quốc hội với Chính phủ, bộ ngành và địa phương
Dưới góc nhìn của mình, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Anh Phúc cho rằng, phần mềm mới chính là một phần của việc triển khai xây dựng Quốc hội điện tử trong nhiệm kỳ này. Trong mục tiêu hướng tới Quốc hội điện tử, Văn phòng Quốc hội cũng đang nghiên cứu những phần mềm thông minh để mối quan hệ tương tác giữa đại biểu với cử tri được kịp thời hơn, rõ nét hơn, ngay trong thời điểm kỳ họp diễn ra.
“Mỗi kỳ họp, mỗi đại biểu có rất nhiều tài liệu, nhân với gần 500 đại biểu thì có cả đống tài liệu. Do đó, việc này giảm rất nhiều phí in tài liệu cũng như giúp cho đại biểu sử dụng thuận tiện hơn. Đây chỉ là một phần mềm và hiện nay, Quốc hội đang tiến hành xây dựng Quốc hội điện tử với diện rộng, không chỉ có nội dung trong kỳ họp mà còn kết nối với các bộ, ngành, chính phủ và địa phương để đại biểu Quốc hội có thể xem hoạt động hiện nay của cả nước như thế nào” – Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Đánh giá cao sự đổi mới của Quốc hội, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là xu thế tất yếu và việc ứng dụng Smartphone vào Quốc hội điện tử là cần thiết nhằm góp phần thực hiện được mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số.
Ủng hộ việc ứng dụng phần mềm vào Quốc hội điện tử, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, việc này được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường tương tác điện tử thống nhất giữa một bên là đại diện quyền lực của nhân dân và một bên là người giám sát cũng chính là người dân. Các cơ quan luật pháp và hành pháp có sự trao đổi, thống nhất nhanh chóng, kịp thời hơn. Bên cạnh đó cũng tạo cơ hội cho các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, địa phương nắm bắt thông tin và phối hợp với nhau tốt hơn.
“Việc đưa công nghệ thông tin qua mạng điện thoại là cần thiết. Tuy nhiên, có hai vấn đề được đặt ra. Thứ nhất là vấn đề bảo mật. Thứ hai, không chỉ Smartphone mà tất cả các công cụ khác như máy tính bàn, máy tính bảng cũng cần phải hỗ trợ”, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ./.