Lao động tự do - Vòng luẩn quẩn của rủi ro và thiệt thòi

(Ngày Nay) - Lao động tự do hay lao động phi chính thức là những người thuộc về khu vực kinh tế phi chính thức. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Họ là ai?

Khu vực phi chính thức có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, họ cung cấp dịch vụ, họ tham gia sản xuất trong tất cả các ngành nghề. Đây cũng là khu vực tạo việc làm, quan trọng nhất là lao động nữ. Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế phi chính thức vẫn dẫn đầu trong việc cung cấp việc làm, chiếm 32% tổng số việc làm ở Hà Nội và 34% tổng số việc làm tại TP Hồ Chí Minh.

Cách đây 10 năm, con số lao động phi chính thức đã là 39,6 triệu. Hiện chưa có thống kê cập nhật nhưng xu hướng là ngày càng tăng lên. Và cũng trong số đó có tới 95,7% người làm việc không có hợp đồng lao động. Trên 90% người lao động di cư không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào và chỉ có 15,7% tốt nghiệp THPT trở lên. Thu nhập từ công việc thường thấp và không ổn định, trung bình 2,2 - 2,5 triệu đồng/người/ tháng. Thời gian làm việc bình quân 47,3 giờ/tuần. Phụ nữ chiếm tỉ lệ khá cao.

Vòng luẩn quẩn của sự mưu sinh

Qua thực tế từ cuộc sống đô thị cho thấy bởi những hạn chế về năng lực, kiến thức và vật chất là nguyên nhân chính buộc người ta phải bước vào con đường này.

Từ điểm xuất phát của sự nghèo đói, thất học, người lao động buộc phải tự cứu mình bằng cách gia nhập vào bất kỳ một thị trường lao động nào để tìm kiếm cơ hội học hỏi, hòa nhập với sự phát triển xã hội, kể cả chỉ được một mức thu nhập thấp, chấp nhận rủi ro tai nạn lao động và khả năng không được đền bù rất cao… Phần lớn họ đều phải chấp nhận điều kiện làm việc kém, giờ làm việc dài, thu nhập thấp, không được hưởng quyền, nghĩa vụ lao động, quỹ phúc lợi xã hội, dịch vụ công ích... Cá nhân họ cũng như các hộ cá thể hay doanh nhiệp nhỏ và vừa trong khu vực chính thức ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề.

Lao động tự do - Vòng luẩn quẩn của rủi ro và thiệt thòi ảnh 1Lao động tự do phần lớn đều sống trong những khu trọ chật hẹp, ẩm thấp... (Ảnh minh họa)

Họ cũng gặp nhiều bất lợi khi sống tại các thành phố lớn với mức phí sinh hoạt cao, điều kiện sống ở khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, không bảo đảm an ninh, thiếu các điều kiện thiết yếu.

Vì cảnh đói nghèo nên nhiều người phải tham gia khu vực kinh tế phi chính thức và sau một thời gian làm việc ở đó, không ai biết họ có thể thoát khỏi nghèo được hay không! Cứ thế, như một vòng luẩn quẩn, người lao động khu vực kinh tế phi chính thức đối mặt với hết rủi ro này đến thiệt thòi khác.

Lao động tự do là đối tượng thuộc nhóm yếu thế

Với đặc điểm chủ yếu là thu nhập thấp và điều kiện làm việc không đảm bảo, khiến cho lao động tự do dễ bị tổn thương hơn trước các tác động bên ngoài.

Hầu hết lao động di cư tự do làm việc không được ký kết hợp đồng lao động nên không được tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà chỉ có thể tham gia bảo hiệm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, trên thực tế, số lao động tự do tham gia mới bảo hiểm xã hội tự nguyện rất ít.

Một số điểm bất cập trong chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội liên quan thì với lao động phi chính thức do làm việc không có hợp đồng lao động, nên họ chỉ tham gia loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện và chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Mặc dù, các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động rất thiết thực đối với lao động phi chính thức, do điều kiện làm việc phần lớn không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, mức độ gặp rủi ro trong công việc cao hơn, nhưng các chế độ này lại không có trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng giữa những người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội, không khuyến khích được lao động di cư phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tiếp cận của nhóm phụ nữ, dân tộc thiểu số khó khăn hơn các nhóm khác. Nghiêm trọng hơn là tình trạng bóc lột, lạm dụng tình dục, sức lao động đối với phụ nữ, trẻ em.

Do phần lớn những người lao động tự do không được trang bị kỹ năng về bảo hộ, an toàn lao động, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn và vấn đề tai nạn lao động đối với nhóm đối tượng lao động phi chính thức ngày càng nghiêm trọng.

Vụ cháy ngày 19/11/2015 tại khu nhà số 9 Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm 6 lao động tự do thiệt mạng; vụ tai nạn sạt lở tầng xảy ra vào 11g00 ngày 8/5/2016 làm 2 người chết tại công trường khai thác 2 thuộc công ty cổ phần than Cao Sơn, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; vụ tai nạn sập giàn giáo xảy ra vào 18H30 ngày 9/1/2016 làm 4 người chết tại công trường thi công Suối Quanh, bản Tà Pán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa,  vụ tai nạn do sạt lở vách đá xảy ra vào 10h30 ngày 22/1/2016 làm 8 người chết tại mỏ đá của Doanh nghiệp TNHH Tuấn Hùng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa… Đa phần nguyên nhân đều do lao động làm việc trong điều kiện không an toàn, không bảo hộ, thiếu kỹ năng xử lý khi tai nạn xảy ra. Đáng buồn là, do hầu hết các lao động này không được ký kết hợp đồng lao động, nên khi tai nạn xảy ra, người chủ thuê thường lảng tránh, không chịu trách nhiệm, hoặc bồi thường không thỏa đáng.

Đến thời điểm hiện nay, lao động phi chính thức vẫn chưa được xã hội công nhận đầy đủ cả về mặt pháp lý lẫn tâm lý và không được bảo vệ bởi các thể chế của thị trường lao động đầy đủ nên họ luôn đối diện với nguy cơ trở thành tầng lớp thấp trong xã hội và việc tiếp cận các chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách, pháp luật về an sinh xã hội nói riêng còn xa vời. Đơn cử như, chưa có công đoàn dành cho những người bán hàng rong hay trẻ em bán vé số, đánh giày... Bên cạnh đó, định kiến đô thị của nhiều "người thành phố" nên "dân nhập cư, dân hàng rong, trẻ đường phố" có phần xem thường, thương hại.

Các hoạt động tương trợ về xã hội, pháp lý cũng chưa tiếp cận sát với những đối tượng này. Họ hoạt động gần như đơn độc, mối liên kết gần nhất, bền chặt nhất chính là giữa những người đồng cảnh ngộ "phi chính thức" với nhau.

Nỗ lực cho một khu vực bị lãng quên trong chính sách công

Chính phủ hiện đang nỗ lực để mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này thông qua cải thiện khuôn khổ pháp luật quốc gia và phát triển chính sách nhằm giải quyết các thách thức của nền kinh tế phi chính thức, thông qua việc hình thành nhiều tổ chức có hoạt động tương trợ đối với người lao động tự do, trẻ em đường phố, dân di cư… Tuy nhiên, các tổ chức này hoạt động vẫn chưa tạo được tác động xã hội lớn, đồng thời, chiều ngược lại, phần lớn người lao động tự do chưa biết cách khai thác sự hỗ trợ của các tổ chức này mà vẫn thụ động, tự bảo vệ mình theo cách riêng của mình.

Luật An toàn vệ sinh lao động đã tạo tiền đề quan trọng cho các nỗ lực tiếp theo khi mở rộng quy định đối với lao động phi chính thức. Đây được coi là sự công nhận chính danh cho sự tồn tại của khu vực này. Theo quy định trong Luật thì từ đầu tháng 7/2016, những người học nghề, thực tập nghề, thử việc để làm việc cho chủ sử dụng lao động, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, gọi chung là lao động phi chính thức cũng phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn. Nhà nước sẽ khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí người lao động không thuộc khu vực có quan hệ lao động được tham gia vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp để được bù đắp khi không may bị tai nạn lao động.

Tuy nhiên, để các chính sách an sinh xã hội có thể “phủ” được đến nhóm đối tượng này không phải là điều đơn giản. Do vậy, để chính sách an sinh xã hội “phủ” đến nhóm đối tượng này, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với những quy định mới đã tạo điều kiện cho nhóm này tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Và cần hơn nữa những chính sách “mở” để hỗ trợ cho những đối tượng này.

Cải thiện cách tiếp cận

Thứ nhất, cần chính thức công nhận sự hiện diện và những đóng góp của lao động phi chính thức dựa trên những đóng góp của họ đối với xã hội và nền kinh tế hiện nay, việc thừa nhận vị trí, vai trò xã hội và tạo điều kiện tiếp cận công bằng đến các dịch vụ công ích.  

Thứ hai, thi hành những điều luật về tiền lương và thu nhập công bằng. Nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy những người đang kinh doanh phi chính thức thành chính thức. Từ góc độ chính sách về thị trường lao động, cần hướng tới sự cân bằng giữa pháp luật bảo vệ người lao động và bảo vệ việc làm. Tạo cơ hội cho họ tiếp cận với các nguồn lực, tín dụng, hỗ trợ vốn và kỹ thuật.

Thứ ba, tạo cơ hội có việc làm bền vững, thông qua việc đào tạo, và việc đào tạo cũng phải được nâng cao do các chương trình nghề hiện chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động.  Tăng tính thị trường của hệ thống cung cấp dịch vụ công về đào tạo nghề, cho phép và tạo điều kiện xã hội hóa các chương trình nghề đang được tài trợ bởi ngân sách.

Thứ tư, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tư vấn các thông tin về chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện trên các kênh thông tin với các phương thức phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, làm việc của người lao động tự do như thông qua chủ nhà trọ, chi hội phụ nữ, tổ dân phố... Cần đơn giản hoá các quy trình, thủ tục tham gia bảo hiểm y tế để người lao động tự do có thể dễ tiếp cận. Cần mở rộng chế độ trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để lao động di cư phi chính thức có thể tham gia đóng và hưởng quyền lợi như bảo hiểm xã hội bắt buộc (thai sản, ốm đau, tai nạn lao động). Phải có những cuộc khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng để tìm ra những rào cản của lao động di cư để từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời giúp lao động di cư tiếp cận được với chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thứ năm, cần có cách bảo vệ họ trước sự xâm phạm của chủ lao động và đối tượng khác, nhất là xâm phạm tình dục, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Bảo đảm giáo dục cơ bản đối với con em của họ.

Hội nhập đang và sẽ tạo ra những luồng di chuyển lao động liên quốc gia, tạo nên sức ép cạnh tranh về lao động, sự dịch chuyển lao động và di cư nhiều hơn. Tuy nhiên, một câu hỏi chưa có lời đáp thấu đáo vẫn ám ảnh số đông: “Lao động làm việc trong khu vực phi chính thức vì họ nghèo hay do làm việc trong khu vực này nên họ mới nghèo?”.

Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
(Ngày Nay) - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández tới Việt Nam là sự khẳng định ý chí của La Habana trong việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác song phương trên cơ sở mối quan hệ lịch sử anh em gắn kết nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
(Ngày Nay) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.