Đã hơn 5 năm làm việc tại Cheonan (Hàn Quốc), cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, anh Lê Văn Định (Thanh Hóa) và những lao động Việt trong công ty lại tập trung tổ chức ăn Tết.
Đã thành thông lệ, từ ngày 28 Tết, mọi người góp tiền rồi làm các món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt lợn đông, su hào, bắp cải muối... Do vậy, dù ăn Tết ở nơi xứ người nhưng mọi người vẫn luôn cảm nhận được không khí ấm cúng của Tết Việt.
Anh Định cho biết, năm nay do dịch COVID-19 cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc dường như chưa có bất cứ hoạt động gì. Sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc đã siết chặt việc tụ tập đông người, nhất là các hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán. Nước này cấm các hoạt động tụ tập trên 5 người, trường hợp vi phạm sẽ bị phạt 100 won (khoảng 2 triệu đồng), đồng thời không cho người lao động gia hạn visa.
“Hình phạt nghiêm khắc nên hầu hết những lao động nước ngoài đều không dám vi phạm. Năm nay, anh, em xác định Tết chỉ ở nhà nghỉ ngơi, theo dõi tin tức ở Việt Nam, và chúc Tết nhau qua màn hình điện thoại”, anh Định nói.
Anh Định (áo đỏ) cho biết, năm nay các lao động Việt ở Hàn chỉ biết gọi nhau chúc Tết qua màn hình điện thoại. (Ảnh: Tiền Phong) |
Tại Nhật Bản, hiện nay có hơn 200 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc. Mỗi dịp tết đến xuân về, cộng đồng người Việt tổ chức rất nhiều hoạt động như gói bánh chưng, lễ phật, hái lộc đầu xuân… nhằm tạo ra không khí ấm áp, đầm ấm cho những người con xa quê.
Chị Lưu Thị Mai, (19 tuổi, Nghệ An) đang làm việc cho Toyota tại Nhật Bản cho biết, năm nay, dịch COVID-19 đã khiến các hoạt động này hạn chế. Thành phố Chiba, nơi chị ở đang phong tỏa nên mọi người không thể tập trung tại một nơi. Những ngày cuối năm, các bạn công nhân, thực tập sinh đều tranh thủ lúc hết giờ làm chạy đi tìm những thứ cần thiết để làm các món ăn, quà bánh mứt truyền thống về tổ chức tại phòng.
ại Nhật, ở một số tỉnh chưa bị phong tỏa, các lao động Việt vẫn được phép tổ chức một số chương trình đón Tết. (Ảnh: Tiền Phong) |
Chương trình Tết sum vầy. (Ảnh: Tiền Phong) |
Đối với các tỉnh khác không thuộc diện phong tỏa, chị Mai cho hay, Chính phủ Nhật không hạn chế các hoạt động công cộng, mà chỉ yêu cầu đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch…nên cộng đồng người Việt vẫn có những hoạt động. Nhiều lao động hết hạn hợp đồng, chưa thể về nước, dịp Tết tìm đến các chùa để ăn Tết.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện có hơn 58 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Chủ yếu là các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan; Hàn Quốc...
Hàng năm cận Tết, Cục quản lý lao động ngoài nước đều có công văn gửi doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phái cử người thực hiện chăm lo Tết cho lao động đang làm việc ở nước ngoài. Người thân của lao động và cả doanh nghiệp tại Việt Nam có thể gửi quà sang cho lao động. Năm nay do dịch bệnh, số chuyến bay bị cắt giảm bớt, vì thế việc gửi quà biếu, tổ chức Tết cho lao động cũng sẽ khó khăn hơn.
Cục quản lý lao động ngoài nước đã thông tin, yêu cầu doanh nghiệp chủ động nắm bắt tình hình để có cách thức chăm lo phù hợp.