Lầu Năm Góc cảnh báo đặc vụ mặc quân phục dẹp biểu tình

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bày tỏ quan ngại khi đặc vụ liên bang mặc quân phục như binh sĩ khi đối phó biểu tình ở các bang.

"Chúng tôi muốn một hệ thống để người dân có thể nhận ra khác biệt giữa các đặc vụ liên bang và binh sĩ", Jonathan Hoffman, phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, nói trong cuộc họp báo ngày 21/7.

Hoffman cho biết Lầu Năm Góc đã bày tỏ quan ngại việc các sĩ quan từ nhiều cơ quan an ninh liên bang như cảnh sát tư pháp hay biên phòng mặc quân phục dã chiến như quân đội khi được triển khai đối phó biểu tình bạo loạn tại một số nơi như thành phố Portland, bang Oregon.

Sau khoảng 6 tuần bạo lực và bất ổn tại Portland, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định điều các đặc vụ liên bang tới ứng phó, trong đó có một đội Đặc nhiệm Cảnh sát Tư pháp và một đội biên phòng.

Trump nhấn mạnh việc triển khai các đặc vụ liên bang là cần thiết để bảo vệ tài sản của chính phủ Mỹ tại Porland. Tuy nhiên, Thị trưởng Ted Wheeler, một thành viên đảng Dân chủ, đã kêu gọi Trump rút lực lượng liên bang khỏi thành phố.

Wheeler cho rằng một nhóm nhỏ người quá khích đang nhấn chìm thông điệp của những người biểu tình ôn hòa và sự hiện diện của các cơ quan thực thi pháp luật liên bang tại Portland làm tình hình tại thành phố này thêm trầm trọng.

Lầu Năm Góc cảnh báo đặc vụ mặc quân phục dẹp biểu tình ảnh 1

Đặc vụ liên bang Mỹ bắn hơi cay nhằm giải tán người biểu tình tại Portland, bang Oregon, ngày 19/7. - Ảnh: AP.

Thông tin trên mạng xã hội cho thấy các đặc vụ liên bang được triển khai đến Portland tuần trước đã không thông báo danh tính khi bắt người biểu tình và đưa họ lên những chiếc xe không có biển hiệu của bất cứ lực lượng nào. Cảnh sát Portland ngày 20/7 cho biết các đặc vụ liên bang đã sử dụng khí CS, còn gọi là hơi cay, để giải tán đám đông.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ra thông cáo xác nhận các đặc vụ ở Portland là quân số của lực lượng Biên phòng và Hải quan (CBP). DHS thừa nhận các đặc vụ CBP không đeo biển tên khi trấn áp người biểu tình để tránh bị tiết lộ thông tin cá nhân lên Internet với mục đích xấu.

Đặc vụ thuộc nhiều cơ quan của DHS mặc quân phục đứng gác bên ngoài các tòa nhà của liên bang. Phần lớn người biểu tình bị những đặc vụ này bắt ở gần các tòa nhà liên bang, song có báo cáo cho biết họ đã tiến ra xa khỏi phạm vi phụ trách của mình để bắt người.

Cảnh sát trưởng Portland Chuck Lovell nói cảnh sát thành phố giữ liên lạc với các đặc vụ liên bang, nhưng hai bên không kiểm soát hoạt động của nhau.

Mark Pettibone, một người biểu tình, cho biết anh bị một nhóm người mặc quân phục màu xanh với tấm dán ghi chữ "cảnh sát" bắt khi tham gia biểu tình. Nhóm người này bước ra từ một chiếc xe không dán phù hiệu và không nói rõ mình thuộc lực lượng nào.

Pettibone nói cảm thấy sợ hãi khi bị bắt bởi những người mình không biết. Pettibone sau đó bị thẩm vấn rồi được trả tự do và không rõ liệu các đặc vụ có truy tố mình hay không.

Trong cuộc họp báo hôm 21/7, thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany bảo vệ quyết định điều đặc vụ liên bang tới Portland bởi "người biểu tình đã trở nên hung hăng hơn" và có các hành vi chống người thi hành công vụ.

"Chính quyền Trump kêu gọi giới chức bang và địa phương hợp tác để khôi phục luật pháp và trật tự", McEnany nói. "Tổng thống Trump đang hành động ở Portland, dù thị trưởng và thống đốc Dân chủ ở đó không muốn hợp tác với chúng tôi".

Biểu tình đòi bình đẳng sắc tộc nổ ra ở Mỹ sau khi cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu George Floyd. Một số cuộc biểu tình biến thành bạo loạn, buộc chính quyền Trump phải triển khai vệ binh quốc gia và nhiều lực lượng an ninh liên bang đối phó.

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.