Lễ hội đền Bà Triệu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong 3 ngày từ 11-13/3, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 nhân kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22/2 năm Mậu Thìn 248 - 22/2 năm Quý Mão 2023).
Lễ hội đền Bà Triệu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh tư liệu: Khiếu Tư/TTXVN.
Lễ hội đền Bà Triệu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh tư liệu: Khiếu Tư/TTXVN.

Theo kế hoạch, Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Bà Triệu và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 sẽ được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Đây là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu, tiềm năng du lịch địa phương với du khách trong nước và quốc tế.

Lễ khai mạc bắt đầu từ 8 giờ ngày 11/3 tại khuôn viên khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, xã Triệu Lộc (huyện Hậu Lộc) với các nghi thức truyền thống gồm, lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại Đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc); rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà...

Tiếp đó là phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh cũng như tác động mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trên quê hương Thanh Hóa. Ngoài ra tại lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu còn có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc cùng hoạt động trưng bày hiện vật, sách báo, tranh ảnh giới thiệu về di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu, các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Thanh…

Lễ hội Bà Triệu được tổ chức từ ngày 22-24/2 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô năm 248. Tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân đã lập đền thờ, xây lăng mộ bà trên đỉnh núi Tùng, xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai, dựng ngôi đình lớn ở giữa làng Phú Điền, tôn bà làm Thần hoàng làng và quanh năm hương khói thờ Bà (3 địa danh này đều thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

Qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều cho tu sửa đền miếu, ban sắc phong và quy định tế lễ với nghi thức quốc lễ. Năm 1979, đền thờ và lăng mộ Bà ở xã Triệu Lộc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu. Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận Lễ hội đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.