Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa kết nối với các điểm tham quan trên, điểm xuất phát tính từ cảng Ao Tiên, cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn tới các điểm đảo Tây Hoi, đảo Trà Ngọ, đảo Cái Lim, đảo Ba Mùn, đảo Bản Sen, vũng Lỗ Ố. Hệ thống đường bộ tại điểm du lịch sẽ do đơn vị đầu tư khai thác điểm triển khai theo quy mô xác định. Riêng với khu vực đề xuất mới là khu vực Trà Bản, Cái Đé, Cái Lim hiện tại chưa có trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện Vân Đồn, do đó cần tổ chức khảo sát, đề xuất tuyến, điểm du lịch mới.
Tỉnh Quảng Ninh giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, xác định lại các tuyến, điểm du lịch mới, đảm bảo trong tháng 4 có thể đưa vào khai thác. Sở Giao thông Vận tải tổ chức thuê đơn vị tư vấn để khảo sát các tuyến luồng, đảm bảo việc công bố luồng được triển khai theo đúng quy định. Trong quá trình triển khai phải lắng nghe, lấy ý kiến của các doanh nghiệp để đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất các tuyến, điểm du lịch mới sau khi đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, địa phương cần nghiên cứu thí điểm các tàu nhà hàng ăn uống trên Vịnh Hạ Long, các yêu cầu quản lý đối với hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch; đánh giá cụ thể sức tải của các điểm đến trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long và bảo đảm không tăng so với lượng tàu vận chuyển khách tham quan đang hoạt động nhưng phải nâng cao quy mô, công suất và chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, hiện trên vịnh Hạ Long có 1 cảng, 7 bến, 5 điểm neo đậu nghỉ đêm, 7 tuyến luồng đường thủy nội địa và 5 tuyến tham quan du lịch. Trên vịnh Bái Tử Long và khu vực huyện Vân Đồn có 2 cảng, 7 bến, 8 tuyến luồng đường thủy nội địa và 2 tuyến tham quan du lịch, 4 tuyến bờ ra đảo. Đánh giá, khảo sát cho thấy, với kết cấu hạ tầng hiện tại, Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long cơ bản đủ điều kiện khai thác đối với các khu vực du lịch đã được quy hoạch.
Vào cuối tháng 2, huyện Vân Đồn sẽ đưa vào sử dụng bến cảng cao cấp Ao Tiên với 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m, dài 150m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu. Đây sẽ là cơ sở, động lực để kết nối với các tuyến, điểm du lịch sắp mở trong thời gian tới trên vịnh Bái Tử Long. Qua đó giúp kết nối các tour, tuyến giữa vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và khu vực, làm mới sản phẩm du lịch và thu hút du khách trong nước, quốc tế.
Vịnh Bái Tử Long nằm trên địa phận của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, là điểm du lịch hấp dẫn du khách với hàng trăm đảo lớn nhỏ, bãi biển đẹp nguyên sơ, cảnh quan thiên nhiên say đắm lòng người. Khác với vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long không chỉ có những đảo đá thiên hình vạn trạng mà còn có rất nhiều đảo núi đất lớn, nhỏ có dân cư sinh sống. Chính vì vậy, khi đến với Bái Tử Long, du khách có thể tìm hiểu cuộc sống của cư dân trên đảo, với những làng chài, nuôi trồng thủy sản, cùng với những trải nghiệm như một ngư dân đầy thú vị.
Tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm định hình các vùng, hành lang phát triển du lịch trọng điểm, đặc trưng. Tỉnh có giải pháp cụ thể xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, thực sự hấp dẫn, có tính cạnh tranh; bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ; thúc đẩy xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch hướng đến các thị trường trọng tâm; các cơ chế chính sách đặc thù phát triển du lịch, xác định mục tiêu cụ thể về lượng khách, doanh thu, tăng trưởng... xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 15,5 triệu lượt khách, trong đó ít nhất 5 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2030, đón ít nhất 25,4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 8,6 triệu lượt; du lịch đóng góp trực tiếp 11% vào GRDP của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân giai đoạn 2025-2030 từ 10-11%.