Trong bức thư mới đây gửi tới Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký LHQ đã đề xuất thành lập một nhóm giám sát bao gồm cả thường dân và quân lính giải ngũ từ các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và Liên đoàn Ả Rập.
Tổng Thư ký Guterrs cho biết: "Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế tôn trọng những điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn và bảo đảm việc thực hiện không bị trì hoãn. Tôi khuyến khích các quốc gia thành viên của LHQ và các tổ chức khu vực hỗ trợ cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn, bằng cách cung cấp các quan sát viên độc lập dưới sự bảo trợ của LHQ".
Theo đề xuất mới của Tổng Thư ký Guterres, các giám sát viên ban đầu sẽ hoạt động ở khu vực tam giác Libya gần thành phố Sirte. Các quan sát viên sẽ phối hợp cùng với các lực lượng của Libya trong quá trình đánh giá việc thực thi lệnh ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài và tháo gỡ bom mìn cùng các thiết bị nổ.
Dự kiến, đề xuất mới của Tổng thư ký Guterres sẽ được đưa ra thảo luận trong năm tới. Trước đó, sau khi rơi vào cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ và Liên hợp quốc (LHQ) công nhận, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga.
Ngày 23/10 vừa qua, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của GNA và LNA đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của LHQ. Cùng với lệnh ngừng bắn kể trên, tình hình tại Libya thời gian qua ghi nhận nhiều tiến triển tích cực như việc chấm dứt lệnh phong tỏa các cơ sở khai thác dầu mỏ, mở cửa trở lại các tuyến đường giao thông nội địa hay việc đại diện các phe phái tham gia nhiều hơn vào tiến trình chính trị trong nước.