Cụ thể, đại diện Liên Hợp Quốc cho rằng mối quan tâm của tổ chức này là "tình trạng đối đầu vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng tôi muốn cuộc xung đột này dừng lại".
Hôm 26/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp cho Kiev máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu ý rằng hoạt động cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev không được phép dẫn đến tình trạng leo thang xung đột.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu ngày 31/1 thông báo nước này sẽ gửi thêm 12 khẩu pháo tự hành bánh lốp Caesar tới Ukraine.
Phát biểu họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Oleksiy Reznikov, ông Lecornu cho biết lô vũ khí này, cùng với 18 khẩu pháo Caesar đã được chuyển giao, sẽ được trích từ quỹ 200 triệu euro (217 triệu USD) mà Paris thành lập để tài trợ vũ khí cho Kiev. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Đức về viện trợ tài chính và quân sự, tính đến đầu tháng 12/2022, Pháp đứng thứ 7 trong danh sách các nước tài trợ Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc xung đột với Nga.
Đan Mạch cũng đã cam kết chuyển cho Ukraine toàn bộ 19 khẩu pháo tự hành Caesar của quốc gia Bắc Âu này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Slovakia Rastislav Kacer và người đồng cấp CH Séc Jan Lipavsky đang ở thăm Slovakia đã nhất trí quan điểm cần phải duy trì sự thống nhất và kiên trì của phương Tây trong chính sách hỗ trợ Ukraine.