Tổng thư ký António Guterres cho biết LHQ đã bắt đầu đàm phán với Bắc Kinh về chuyến thăm “không hạn chế” đến Tân Cương để xem người thiểu số Duy Ngô Nhĩ đang được đối xử như thế nào.
Ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân Hồi giáo khác được cho là đang phải sống trong các trại tập trung ở Tân Cương, phía phương Tây cáo buộc chính phủ Trung Quốc cưỡng bức phụ nữ triệt sản và cưỡng bức lao động.
Cao ủy nhân quyền của LHQ Michelle Bachelet cho biết vào tháng 2 rằng các báo cáo về việc giam giữ tùy tiện, đối xử tệ bạc, bạo lực tình dục và lao động cưỡng bức ở Tân Cương cần được đánh giá độc lập và kỹ lưỡng.
Bà Bachelet cho biết các cuộc đàm phán để tổ chức một chuyến thăm đã bắt đầu nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
“Một cuộc đàm phán nghiêm túc đang diễn ra vào thời điểm hiện tại giữa văn phòng ủy viên (nhân quyền Liên Hợp Quốc) và chính quyền Trung Quốc", ông Guterres cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. “Tôi hy vọng rằng họ sẽ sớm đạt được một thỏa thuận để cho phép một chuyến thăm không có hạn chế".
Tổng thư ký Guterres cho biết phía Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định với ông “rằng họ muốn sứ mệnh đó diễn ra”.
Hôm thứ Bảy tuần trước, chính quyền Bắc Kinh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai công dân Mỹ, một người Canada và một cơ quan vận động nhân quyền từng chỉ trích cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, mà các quan chức Mỹ cho rằng có thể cấu thành tội ác diệt chủng.
Tổng thư ký Guterres cho biết ông cũng đang theo dõi "lo lắng" về số phận của hai công dân Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, những người đang bị giam giữ ở Trung Quốc với tội danh gián điệp.
Đây là động thái cho việc chính phủ Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei.
“Lập trường của chúng tôi đã rất rõ ràng”, ông Guterres nói. “Trong tất cả các tình huống, phải có quy trình thích hợp và tôn trọng đầy đủ các quyền lợi của những người có liên quan".