Thực hư danh sách Đại Lộc Phát chi tiền cho nhiều cán bộ xã?
Trong bản ghi chép tay (được cho là của bà Thắm – vợ ông Nguyễn Thành Luân) cũng như bản đánh máy, đại ý sơ lược một số nội dung, như sau:
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 - tháng 2/ 2020 đã thu về hơn 10 tỷ đồng từ việc bán đất và cũng chi ra hàng tỷ đồng cho việc trả tiền đất, chi phí khác… nhưng đáng lưu ý nhất đó là có những khoản chi được ghi chép lại là chi cho UBND xã, chi cho địa chính xã TH, ĐH và ST.
Trong đó, nội dung ghi chép cho thấy đơn vị được nhắc tới nhiều nhất là xã Đ.H, kế đến là xã T.H, xã S.T cũng có chi, nhưng ít hơn. Cụ thể như: Chi tiền cho địa chính xã Đ.H là 50 triệu; Chi ủng hộ cho xã Đ.H (12/12) 20 triệu; Đưa tiền sếp Văn (Nguyễn Hoàng Bảo Văn, phó giám đốc – kiêm kế toán trưởng) chi tiền cho địa chính
ĐH2 20 triệu; Chi tiền cho anh H.. (địa chính) xã Đ.H (12/12) 150 triệu; Trả tiền làm giấy tờ, đóng thuế đất Đ.H 2 là 33 triệu. Trả tiền đất Đ.H 21 tỷ. Trả tiền làm đường dự án Đ.H2 (tức thửa đất số 25) 169 triệu. Chi tiền cho anh D... địa chính xử lý giấy tờ 25 triệu…
Bên cạnh dự án Đ.H2, thì trên bản ghi chép còn ghi rõ: Chi tiền cho địa chính xã Đ.H 60 triệu. Trả tiền làm sổ Đ.HI 33 triệu; Chi mua đất ĐH I: 3.250.000.000…
Theo danh sách chúng tôi có được thì công ty Đại Lộc Phát ghi chi cho xã T.H như sau: chi cho Chủ tịch xã (3 người) 50 triệu; Chi địa chính xã 27 triệu; Chi mua máy lạnh cho UBND 15,4 triệu 400; Chi trả tiền làm sổ TH 160 triệu; Trả tiền đất T.H 2.273.000.000... Thậm chí, trong bảng kê thu chi này còn có khoản chi tiền thầu, vật liệu xây dựng 151 triệu để dựng nhà trên đất trồng cây. Riêng xã ST thì danh sách thu chi này có nội dung “chi địa chính xã S.T 5 triệu”.
Để làm rõ vấn đề này, PV đã liên hệ và gửi câu hỏi tới UBND xã T.H, nhưng đến nay phía xã không hồi âm. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng C.. - Chủ tịch xã Đ.H cho biết, vừa qua chính quyền địa phương có nhận được tố cáo của người dân liên quan đến công ty Đại Lộc Phát phân lô, bán nền đất trồng cây và giao cho khách hàng sổ giả có liên quan đến cán bộ xã.
Trước vụ việc này, một mặt chúng tôi đã chuyển hồ sơ sang công an xã và lên huyện để cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi của công ty Đại Lộc Phát, mặt khác chúng tôi đã tiến hành làm rõ thực hư có hay không những khoản tiền mà người ta tố cáo.
Qua trao đổi với ông Bằng (ông Bằng là Chủ tịch xã Đ.H mới nghỉ hưu. Bà Cúc lên thay từ tháng 8/2020 – PV), chúng tôi nhận được câu trả lời rằng: “khoản tiền 20 triệu ủng hộ cho xã có thể là khoản tiền từ thiện mà công ty mua qua tặng cho hộ nghèo vào dịp tết 2020. Khi đó họ mượn hội trường UBND xã để mời bà con đến trao quà chứ xã không nhận đồng nào. Việc làm đường thì do một số người dân có làm đơn xin phép. Việc mở rộng đường từ chiều ngang từ 2,5m ra 4m thì giờ mới nghe, tôi sẽ xác minh lại”.
Danh sách đánh máy có các mục số 7, 9, 10, 15, 16,...là liên quan chi cho các cán bộ xã, địa chính... |
Trao đổi với ông Huyên (phụ trách địa chính) tại buổi làm việc ngày 4/12, ông Huyên cho biết chỉ nhận tiền bán đất (lô đất này trước đây ông Huyên hùn hạp với ông Quí, do ông Quí đứng tên) sau đó bán lại cho người khác. Nhưng người trả tiền là ông Luân, giám đốc công ty Đại Lộc Phát. Ông Huyên cam kết chịu trách nhiệm với ý kiến của mình là không nhận 150 triệu như người ta nói. Thêm đó, ông Huyên cũng khẳng định chỉ nhận 1 tỷ đồng từ công ty Đại Lộc Phát, là tiền bán mảnh đất trên. Ngoài ra không nhận khoản nào khác.
Theo tài liệu về các khoản chi mà phóng viên thu thập được và chuyển giao cho công an, câu trả lời có lẽ dành cho cơ quan chức năng làm rõ. Liệu đây là bản kê khống, hay có sự tiếp tay từ những cán bộ địa phương?
Bản vẽ do các đối tượng giới thiệu vị trí các lô đất với phóng viên |
Nhân viên đo đạc “đóng thuế, phí dùm” công ty Đại Lộc Phát?
Cũng trong thời gian tìm hiểu, phóng viên phát hiện nhân viên tên Phi (thuộc văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Trảng Bom) từng có dấu hiệu nhận tiền để làm “hồ sơ” cho công ty Đại Lộc Phát. Khi hay tin có được bằng chứng về việc làm của mình, ông Phi đã nhờ người liên hệ với phóng viên để lý giải vấn đề này. Thế nhưng, khi gặp mặt, lúc đầu ông Phi khẳng định (không dưới 3 lần) là không có chuyện nhận tiền của công ty Đại Lộc Phát. Bởi “tôi chỉ biết Luân, Văn (giám đốc và phó giám đốc công ty Đại Lộc Phát) tại một cuộc nhậu và sau đó họ nhờ tôi đo đạc…”.
Cho đến khi nhắc lại số tiền ông Phi nhận từ Công ty Đại Lộc phát là 20 triệu đồng bằng việc chuyển khoản qua ngân hàng thì ông Phi mới thừa nhận có nhận số tiền trên, và lý giải rằng đó là tiền phí đo đạc và đóng thuế dùm cho Đại Lộc Phát khi tách thửa đất 25 thành 9 sổ riêng (thửa 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121). Và chỉ nhận duy nhất 1 lần này.
Tuy nhiên, đối chiếu với những thông tin phóng viên thu thập được, lý giải của ông Phi có nhiều điều chưa phù hợp. Bởi, việc đo đạc và tách ra 9 sổ riêng từ thửa đất 25 tại xã Đông Hoà diễn ra vào tháng 12/2019 và hoàn tất ra sổ vào ngày 6/1/2020. Trong khi thời điểm mà ông Phi nhận tiền lại diễn ra vào tận tháng 6/2020. Trùng hợp thời điểm này ông Nguyễn Thành Luân bắt đầu giao sổ đỏ giả cho một số khách hàng mua đất của Đại Lộc Phát thuộc thửa 113, 114.
Để khách quan hơn, phóng viên đã đề nghị văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Trảng Bom làm rõ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thoả đáng.
Đề nghị cơ quan điều tra làm rõ!
Theo điều tra của Ngày Nay, “Dự án ma” Đ.H2 nguyên là thửa đất 25, có diện tích hơn 10000 m2, do ông Quí đứng tên, ông Huyên địa chính xã có hùn tiền trong đó. Tháng 11/2019, ông Quí bán lại cho bà Xê, nhưng người trả tiền lại là Nguyễn Thành Luân, giám đốc công ty Đại Lộc Phát và người nhận tiền lại là vợ chồng ông Huyên.
Trong khi chưa trả hết tiền cho ông Huyên thì Luân đã lập công ty, sửa đường, phân lô, nền và rao bán các lô đất thuộc thửa đất trên. Chưa hết, sau khi mua xong, Luân nhờ Khoa đứng tên dùm thửa đất 25, tại xã Đông Hoà. Sau đó, Luân lại tách thửa 25 trên thành 9 thửa nhỏ, bao gồm thửa 113,114,115,116,118, 119, 120, 121 và riêng thửa 117 sau này tách tiếp thành thửa 124 và 125. Trong đó Luân, Văn và nhiều “cổ đông” khác đứng tên. Điều đáng nói là sau khi tách sổ, các thửa đất, 113,114 của Luân và Văn và cổ đông một mặt đã đem “nhượng quyền, uỷ quyền” cho người khác nhưng mặt khác lại vẫn đem phân lô, bán nền cho hàng chục khách hàng khác. Ngay cả những thửa đất 119, 120, 121 Luân, Văn, Khoa và “cổ đông” công ty Đại Lộc Phát cũng đem bán cho khách hàng dù có những thửa đất họ không phải đứng tên hoặc đã sang tên cho người khác.
Lô đất ở xã Đông Hoà - nhiều người đang sốt ruột lo lắng vì đã đổ tiền vào. |
Trong 13 giấy chứng nhận cấp cho khách hàng đồng sở hữu thửa đất 124 vào ngày 13/5/2020, thì có 12 sổ có số hiệu thứ tự là CV 414855, CV 414856… đến CV 414866 và có 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Tằng Sâu Bình mang số CV 581000. Tức là cùng một thửa đất, cấp cho những người đồng sở hữu, ký cùng một ngày 13/5/2020, nhưng khoảng cách giữa 1 sổ đồng sở hữu với 12 sổ kia có số thứ tự tới hơn 160000 là chuyện bất bình thường.
Tại buổi làm việc ngày 21/12, trao đổi với phóng viên Ngày Nay, ông Nguyễn Văn Thành Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Trảng Bom khẳng định, đến nay, chỉ duy nhất thửa đất số 124 (thửa 124 và 125 tách ra từ thửa 117) là đã được cấp giấy chứng nhận Đồng sở hữu với tổng số người làm chủ là 13 người. Các giấy chứng nhận đồng sở hữu của các thửa đất còn lại thuộc tờ bản đồ số 14 nếu có thì đều là sổ giả.
Nhà xây bằng gạch, kiên cố, khang trang được cất lên |
Ngay trên thửa đất 185 tờ bản đồ 26, chủ đầu tư đã phát quang và dựng lên một cái chòi, khiến người mua tưởng rằng khu đất trên có thể sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc có thể cất nhà sau này. Một minh chứng khác, đó là khu “dự án ma” tại xã Tây Hoà mà công ty Đại Lộc Phát- Đại Thành bán ra trong năm 2019 và 2020, tuy là đất trồng cây, sổ chung nhưng đã có 3 căn nhà xây bằng gạch, kiên cố, khang trang được cất lên.