Địa điểm đổi tiền lẻ ở Hà Nội khá nhiều nên khách hàng dễ dàng tìm được, như các cổng đền, phủ hoặc có thể lên các website đổi tiền với lời chào mời hấp dẫn.
Những mệnh giá nhỏ nhất 200, 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng đến các loại mệnh giá lớn hơn đều có đủ. Hoạt động này tuy phổ biến nhưng cũng bớt công khai hơn trên các con phố Hà Nội. Còn tại thị trường trên mạng, dịch vụ đổi tiền lẻ lại khá sôi nổi và có phần tự do hơn.
Chi phí đổi tiền lẻ "đội" lên khá cao. Ảnh minh họa.
Một điểm dễ nhận thấy là cả hai loại hình này đều có mức phí cao cho các mệnh giá tiền thấp.
Điểm chung của hai loại hình này đều đưa mức phí “chát chúa” cho các mệnh giá tiền thấp và có số lượng khan hiếm trên thị trường, chênh lệch phí với năm ngoái từ 5-10%.
Các loại mệnh giá như 200 đồng và 5.000 đồng có số lượng ít năm nay “đội” phí lên tới 80%. Khách hàng bỏ ra 100.000 đồng sẽ chỉ đổi được 20.000 đồng tiền mệnh giá 500 đồng (phí đổi là 80.000 đồng). Còn mệnh giá càng lớn thì mức giá càng giảm, như đồng 1.000 và 2.000 mức phí chỉ 9-12%. Với số lượng lớn từ 1000 tờ, lấy buôn khách hàng sẽ được nhận “ưu đãi giảm xuống” 8-11%.Tất cả các mệnh giá luôn được đổi theo từng tép, từng cọc (100 tờ). Các đầu mối đổi tiền cũng khẳng định, toàn bộ tiền đổi sẽ mới nguyên seri, nhưng với mỗi loại, khách hàng sẽ phải đổi ít nhất 1 triệu đồng.
Theo một số người cung cấp dịch vụ đổi tiền, dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động đến tận ngày 30 Tết, tuy nhiên, mức phí sẽ rất cao vào ngày đó. Đa số các cửa hàng, website đều nhận đặt hàng sớm khoảng 1 tháng trước Tết nhằm tránh tình trạng chồng chéo.
Dịch vụ đổi tiền lẻ "nóng" hơn vào cận Tết. Ảnh minh họa.
Bên cạnh nội tệ, các cửa hàng còn chuẩn bị sẵn tiền ngoại tệ mang seri đẹp, tiền in hình con khỉ may mắn để đáp ứng những khách hàng muốn đổi hoặc mua tiền lì xì Tết. Năm nay, tiền xu in hình khỉ làm bằng bạc và vàng nguyên chất được rao bán với giá 1,5 đến 3 triệu đồng/cặp.
Dịch vụ đổi tiền lẻ hiện đang là hình thức kinh doanh trái phép nhưng để ăn chênh lệc kiếm lời và đánh vào tâm lý của người dân, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn “hét” phí trên trời. Mặc dù vậy, người dân vẫn chấp nhận mức chênh vô lý này với suy nghĩ “Tết rồi nên dịch vụ gì cũng tăng giá!”.
Bộ VHTT-DL thành lập đoàn liên ngành phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan địa phương để xử phạt và hiện nay các trường hợp vi phạm được đưa về cho các chủ tịch huyện và tỉnh xử lý. Tuy nhiên trên thực tế, người đổi tiền lẻ hiện bày ra nhiều mánh khóe để qua mặt các cơ quan chức năng khi đến kiểm tra. Mặc dù theo Nghị định 96/2014, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Nhưng nếu các cơ quan chức năng chưa thực sự kiên quyết, Nghị định 96 chỉ mới nằm trên giấy tờ. Để nghị định này thực sự có hiệu lực trong đời sống là phải khiến người dân thay đổi nhận thức, trả lại cho đồng tiền về đúng chức năng của nó là thanh toán và cất trữ. |
An Mai