Bác sĩ Richard Teo Keng Siang phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng. |
Dù Richard Teo Keng Siang đã mất năm 2012 nhưng thông điệp của ông hiện nay mới được nhiều người biết đến và chia sẻ. Thông điệp đáng suy ngẫm được gửi gắm trong bài giảng của vị bác sĩ với các sinh viên y khoa ở Singapore được ghi chép lại, dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Trong buổi nói chuyện, Richard kể về cuộc đời mình, môi trường ông sống, học tập, trưởng thành. Do sinh ra trong một gia đình nghèo, Richard Teo mơ ước về cuộc sống giàu sang và bất chấp nhiều thứ để đạt được điều đó. Trong những ngày tháng cuối đời, vị bác sĩ đã ăn năn, hối hận vì trong khi còn hành nghề, ông chỉ biết chạy theo đồng tiền mà không làm tròn chữ “từ mẫu”.
Sau khi đọc thông điệp của bác sĩ Richard Teo, nhiều người bức xúc trước thái độ thờ ơ của ông đối với bệnh nhân trước lúc lâm trọng bệnh. “Trời đã ban cho bác sĩ đẹp trai này sự thông minh, tài năng, may mắn và nhiều thứ hơn người, tại sao ông không dùng những điều đó để cứu giúp người, cũng là tích phúc cho mình mà chỉ biết lo làm giàu, bất chấp thủ đoạn? Đây là cái giá phải trả, trời cho thì trời lấy lại nếu sống thiếu lòng nhân đức” - một bạn đọc gay gắt viết.
Bác sĩ Richard Teo cùng thông điệp được chia sẻ trên mạng. |
Một số người cho rằng những sai lầm và lời dặn dò của Richard Teo cũng chính là thực tế nhức nhối trong ngành y hiện nay. “Tôi là một bác sĩ. Khi đọc những lời của Richard Teo, tôi thấy mình không đến nỗi nào. Tuy nhiên, tôi cũng thấy sởn cả gai ốc vì nhiều thứ ông viết về ngành mình đúng quá, đúng từng chân tơ kẽ tóc! Cảm ơn ông, Richard Teo!”.
Bên cạnh những lời lẽ quở trách, nhiều ý kiến cho rằng bác sĩ Richard Teo là một bác sĩ thẩm mỹ tài ba, doanh nhân giỏi, không đáng bị lên án. “Ông đã mang lại sắc đẹp cho bao người đồng nghĩa với mang lại hạnh phúc cho bao người và hạnh phúc cho bao gia đình. Đó là một công việc rất tốt. Chẳng có gì sai. Ông ra đi là do không may mắn, có gì phải ân hận” - một bạn đọc phản pháo.
Độc giả cho rằng vị bác sĩ đã biết quay đầu, dẫu muộn màng, chứng tỏ ông không phải người vô cảm, đánh mất lương tâm. “Tôi thật sự cảm động vì bài viết này. Tôi không tin bác sĩ Richard Teo không có tâm vì bệnh nhân. Ông đang cố dạy cho các bác sĩ trẻ nói riêng và chia sẻ cảm nhận về nỗi đau của bệnh nhân với các đồng nghiệp bằng câu chuyện từ chính bản thân mình. Xin nghiêng mình trước tấm lòng của bác sĩ, chúc ông hạnh phúc trên thiên đàng!” - bạn đọc Minh Châu viết.
Cùng quan điểm này, một bạn đọc viết: “Cả đời có thể chúng ta làm sai nhưng chỉ cần một giây giác ngộ thì thật quý giá biết bao! Đó còn hơn những người chẳng bao giờ giác ngộ cả. Vậy chúng ta nên học hỏi ở những cái hay và cái dở của người khác. Đừng vội lên án ai cả”.
Chúng tôi xin trích lược bài giảng trong những ngày cuối cùng của vị bác sĩ Richard Teo về tiền tài, danh vọng, sự hưởng thụ… với sinh viên tại khóa Nha Khoa D1 ở Singapore.
Khi còn trẻ tôi là một thành phần tạo bởi xã hội hiện đại. Một thành phần thành công mà xã hội đang cần đến.
Từ thuở bé, tôi sinh ra và trưởng thành trong một gia đình dưới mức trung bình. Lúc ấy, tôi học được rằng hạnh phúc chỉ đến khi ta thành công trong cuộc đời… Và sự thành công ấy đồng nghĩa với sự giàu sang phú quý. Với ý nghĩ ấy trong đầu, tôi vận dụng tất cả nghị lực làm việc ngay từ thuở nhỏ.
Tôi tự nhủ không những mình phải được học trường tốt nhất mà cần vượt hẳn mọi người ở nhiều lĩnh vực. Mặc đồng phục, chơi giỏi thể thao và các mặt khác… Tôi cần phải có nhiều phần thưởng để thành công vẻ vang. Tôi cần nhiều giải với những lá cờ màu mè, cần những thành tích cấp quốc gia... Vì thế, tôi thành công khi còn rất trẻ. Tôi học trường y khoa và ra trường làm một bác sĩ.
Trong tất cả phân khoa y, giải phẫu mắt là ngành được chuộng nhất thời bấy giờ. Tôi quyết định theo học ngành phẫu thuật về mắt. Đồng thời, tôi cũng nhận được học bổng cho nghiên cứu về máy laser chữa mắt do NUS (National University of Singapore), Cơ quan nghiên cứu y khoa chính phủ cấp.
Theo quá trình định sẵn, tôi được giao 2 bằng sáng chế, một về y khoa, hai về kỹ nghệ laser. Các bạn biết đấy sự học hỏi từ nhà trường không mang lại sự giàu có trong cuộc đời.
Nghĩ việc nghiên cứu và học hỏi về phẫu thuật mắt cần quá nhiều thời gian nên tôi quyết định ra ngoài làm việc cho công ty tư nhân để kiếm nhiều tiền hơn. Được một thời gian, tôi bỏ việc và ra ngoài thành lập viện phẫu thuật thẩm mỹ cùng với viện phẫu thuật ngắn hạn.
Có một điều rất trớ trêu là người ta không trở thành anh hùng nếu chỉ làm bác sĩ gia đình. Người dân thường không hài lòng và tiếc tiền khi phải trả 20 USD để khám một bác sĩ tổng quát. Nhưng cùng bệnh nhân ấy, họ không ngần ngại trả 10.000 USD để đi bác sĩ hút mỡ bụng, 15.000 USD nâng ngực và những phẫu thuật thẩm mỹ tương tự…
Khi bắt đầu viện thẩm mỹ, bệnh nhân của tôi đợi mỗi tuần, rồi sau đó họ phải đợi 2 tháng, rồi 3 tháng. Sắc đẹp hư ảo bằng thẩm mỹ là một công nghệ dị thường. Lúc đầu, tôi thuê một bác sĩ phụ giúp, rồi người thứ hai, thứ ba rồi thứ tư. Trong vòng một năm đầu, lợi tức tôi lên đến bạc triệu. Nhưng cuộc đời không bao giờ gọi là đủ cả, tôi vẫn chưa hài lòng lắm. Tôi bắt đầu bành trướng sang thị trường Indonesia để phẫu thuật cho những người giàu ở đó. Họ nhắm mắt sẵn sàng phung phí tiền bạc một cách dễ dàng. Làm tiền ở đấy quá dễ...
Tôi đã làm quá nhiều tiền và bây giờ là lúc tìm cách để hưởng thụ . Tôi mua một chiếc xe đua và gia nhập câu lạc bộ đua xe, sau đó mua thêm một chiếc Ferrari 430. Sau khi mua xe, tôi sắm nhà. Tôi quyết định đi tìm một mảnh đất để xây một căn nhà độc lập cho mình và có thể đi săn bắn thú vật... Cũng như mọi người, ai cũng mơ được giàu có và một khi giàu rồi, người ta nghĩ đến người nổi tiếng. Thế là tôi tìm cách cặp kè với những người giàu và nổi tiếng bằng cách kết bạn trên mạng internet. Chúng tôi chịu chi rất nhiều cho những nhà hàng nổi tiếng với một cuộc sống trưởng giả.
Như vậy, tôi đã đạt đến cực điểm của cuộc sống mà mọi người hằng mơ tưởng. Tôi vẫn thường vào phòng tập thể dục và nghĩ mình đã có quyền tự chủ, có tất cả để duy trì sự cực điểm này. Nhưng tôi đã lầm. Tôi không thể duy trì được tất cả những thứ ấy…
Khoảng tháng 3 năm ngoái, tôi cảm thấy hơi đau lưng trong lúc làm việc. Tôi nghĩ do mình đứng nhiều và hay cong lưng khi làm phẫu thuật cho bệnh nhân. Tôi vào bệnh viện nhờ một anh bạn chụp cộng hưởng MRI xem có phải bị trật đốt sống không. Đêm đó, anh bạn điện báo cho tôi biết xương tủy của tôi bị thay đổi một cách nhanh chóng. Tôi quyết định trở lại bệnh viện lần nữa để kiểm soát bằng những phương pháp tối tân hơn và họ phát hiện tôi đang ở giai đoạn 4 của ung thư phổi.
Tôi từng tưởng đã đạt đến cực điểm của cuộc đời và nghĩ tất cả nằm dưới tầm tay của mình nhưng không lâu sau, tôi thấy mình mất tất cả.
Các bạn có nghĩ rằng bạn bè, dòng họ với cuộc sống khó khăn sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc với bạn khi bạn lái xe Ferrari đi khoe khoang với họ? Không bao giờ, nhất là khi họ phải dùng phương tiện công cộng đến thăm bạn.
Vào lứa tuổi các bạn, tôi ở khu nội trú King Edward VII Hall. Tôi quen cô bạn tên Jennifer mà lúc đó, tôi nghĩ người này lạ thường. Khi tôi và cô ấy đi bộ dọc đường, nếu gặp một con ốc sên, cô ấy sẽ không ngần ngại đặt nó trở lại bãi cỏ. Lúc đó tôi nghĩ tại sao Jennifer phải tốn công và làm dơ bẩn đôi tay mình để làm chuyện ấy nhỉ? Nó chỉ là con ốc vô tri kia mà? Thực ra, cô ấy cảm nhận được sự đau đớn của con ốc khi người ta giẫm đạp lên nó. Tôi được huấn luyện để trở thành một bác sĩ, để có lòng từ bi và cảm thông nhưng tôi lại không có được những thứ ấy.
Là một bác sĩ trực trong bệnh viện chuyên trị ung thư NUH (National University Hospital), tôi từng chứng kiến rất nhiều người chết trong đau đớn. Tôi đã nhìn thấy nhiều bệnh nhân mà cơ thể họ bị tàn phá vì cơn đau. Tôi cũng đã chứng kiến các bệnh nhân kiểm soát việc đau đớn bằng cách nhấn nút morphine tiêm vào máu từng giờ, từng phút vì không chịu nổi cơn đau đớn giày vò. Tôi cũng chứng kiến nhiều bệnh nhân phải dùng ô-xy để thở hơi thở cuối cùng. Nhưng khi đó, tôi nghĩ tất cả chỉ là công việc.
Mỗi khi vào viện tiêm thuốc, rút máu và đưa thuốc cho bệnh nhân, tôi nghĩ bệnh nhân là bệnh nhân, tôi vẫn là tôi. Khi xong việc, tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà vì nghĩ là đã hoàn tất công việc hằng ngày. Khi bệnh nhân mắc bệnh, bị giày vò bởi cơn đau, tôi nghĩ đó là cơn đau của người khác chứ không phải của mình... Tôi thực sự không hiểu họ đau đớn như thế nào cho đến khi tôi là nạn nhân.
Và có ai hỏi rằng nếu cho tôi làm lại từ đầu như một bác sĩ, tôi sẽ khác không, tôi có thể trả lời các bạn rằng: Vâng, tôi sẽ đổi khác. Vì đã trải qua cơn đau đớn mà bệnh nhân vấp phải nên tôi hiểu rõ việc họ chịu đựng sự giày vò thế nào.
Ngay khi các bạn chỉ bắt đầu năm thứ nhất về phẫu thuật nha khoa, tôi khuyên bạn hai điều sau:
Thứ nhất, thông thường khi các bạn ra trường các bạn sẽ làm việc trong viện nha khoa tư. Bạn sẽ làm rất nhiều tiền bạc, tôi bảo đảm như vậy. Chỉ cần làm răng giả cũng đem rất nhiều lợi tức cho các bạn. Thực ra, không có gì khó hiểu về cách làm tiền và làm giàu của các bạn, đó là cách làm giàu lương thiện. Vấn đề ở chỗ là đa số chúng ta không làm chủ được mình. Khi giàu, ta lại càng muốn giàu hơn, lòng tham không đáy mà. Khi lòng mong muốn càng tăng, tôi lại càng theo đuổi nó một cách mãnh liệt. Như tôi đã kể với các bạn lúc đầu, tất cả điều tôi muốn là giàu cực điểm. Tôi say mê làm giàu đến nỗi không có gì quan trọng bằng tiền bạc. Và bệnh nhân là nguồn lợi tức tuyệt vời cho tôi. Tôi rút từng cắc bạc của bệnh nhân.
Nhiều khi tôi quên bẵng đi mình phụng sự cho ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai ngoài chính mình… Tôi cảm thấy chúng ta mất dần đạo đức một lương y cũng chỉ vì ai cũng muốn làm thật nhiều tiền.
Tệ hơn là gần đây, chúng tôi còn đem trò bêu xấu đồng nghiệp trong nghề để lấy thêm lợi thế cho mình. Đây là tình trạng chung trên thị trường y khoa, nha khoa và bất cứ lĩnh vực nào. Tôi khuyên các bạn không nên đánh mất đạo đức và lương tâm con người, hy vọng các bạn không bao giờ làm như tôi.
Thứ hai, đa số chúng ta chưa có cảm giác đối với bệnh nhân khi bắt đầu công việc. Tôi chỉ mong làm xong chuyện càng sớm càng tốt, chỉ muốn bệnh nhân rời phòng làm việc của tôi càng sớm càng tốt... Tôi không thực sự hiểu bệnh nhân mình nghĩ gì, nỗi lo sợ và những điều khác họ từng trải qua cho đến khi lâm trọng bệnh. Đó là sai lầm lớn nhất của y khoa hiện đại. Chúng ta được huấn luyện để trở thành những bác sĩ y khoa, nha khoa nhưng chúng ta lại không hiểu bệnh nhân cảm nhận thế nào.
Tôi không đòi hỏi các bạn phải xử sự bằng tình cảm, điều đó không chuyên nghiệp. Các bạn nên luôn các thử tự đặt mình vào trường hợp bệnh nhân để hiểu tâm trạng đau đớn của họ. Cũng không còn sớm nhưng vẫn chưa muộn màng.
Điều trớ trêu nữa là nhiều khi biết mình sắp chết, chúng ta mới học cách sống. Đừng để môi trường dạy bạn cách sống như thế nào là hợp lý – như tôi. Tôi hy vọng bạn sẽ suy nghĩ kỹ để có một hướng cho chính mình. Đừng nghe lời xúi giục của xã hội mà hãy nghĩ đến những gì bạn muốn thực hiện và làm tốt cho người khác. Vì sự hạnh phúc thực sự không phải là phục vụ cho chính bạn.
Tóm lại, những gì tôi muốn khuyên bạn là: Đừng bắt chước cuộc sống giàu sang ảo tưởng như tôi... Tôi không còn cách nào khác và đã phải trả giá đắt cho bài học này... Không gì sai lầm khi bạn giàu có cả, vì thượng đế đã ban cho bạn cái ân sủng ấy. Tuy nhiên, rất nhiều người được hưởng giàu sang phú quý nhưng họ không biết giữ gìn nó.
Nguồn: Bác sĩ nội trú/heavenaddress.com