Sáng 8/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề thời gian gần đây, nhất là sau khi Luật An ninh mạng được ban hành có dấu hiệu tin nhắn rác xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm, nội dung đồi truỵ thiếu văn hoá. Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không bảo đảm.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, các thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại có nguy cơ bị kẻ xấu tấn công và không thể dự đoán trước. Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt chịu thiệt hại vật chất, tinh thần lẫn tin nhắn rác lừa đảo đe doạ. khủng bố, theo ghi nhận của VOV.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, việc giải quyết vấn nạn trên được làm mạnh mẽ hơn mặc dù hiện nay vẫn còn thiếu khoảng 6 điều khoản trên Luật an ninh mạng chưa được chi tiết hoá thông qua Nghị định.
Dẫn kết quả làm việc với các nền tảng xã hội xuyên biên giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây với Facebook, nếu chúng ta yêu cầu 100% thì họ chỉ làm 20-30%, nhưng nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Google trước kia chấp hành khoảng 40-50% yêu cầu nhưng hiện nay đã lên mức 85% và thậm chí có một số nội dung hơn 90%.
“Ví dụ như gỡ game xấu độc, đánh bạc, tỷ lệ ngăn chặn của Google gần đây lên đến 92%. Cách đây 2 ngày, chính thức Facebook đã tuyên bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm chúng ta giữ chủ quyền ngay cả trên không gian mạng.
Theo Bộ trưởng, mạng xã hội cũng có 2 mặt, như Facebook hiện nay có khoảng trên 50 triệu người Việt Nam dùng và dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy, khi ta yêu cầu mạng xã hội tuân thủ luật pháp phải có từng bước.
Về cơ sở luật pháp, Bộ trưởng cho biết sau khi có 2 nghị định hướng dẫn triển khai thi hành Luật An ninh mạng xong thì cơ bản sẽ có đủ hành lang pháp lý để quản lý mạng xã hội nước ngoài. “Họ đến đây kinh doanh thì phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cần tự phân biệt tin giả, tin xấu
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về những thông tin xấu, không đúng sự thật, thông tin độc hại trên mạng xã hội và những khuyến cáo đối với người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi người dùng mạng đọc tin xấu đó thì vô hình trung họ đã trả tiền nuôi tin xấu, là người lan tỏa những thông tin này.
Theo Bộ trưởng, ai cũng có quyền đưa thông tin trên mạng, song mỗi cá nhân phải có kỹ năng sống, kỹ năng phân biệt cái tốt cái xấu. Hiện nay tin giả như tin thật, ảnh hưởng đến người dân như tin thật, nếu chúng ta phân biệt được sẽ hạn chế được hậu quả xấu.
Câu chuyện giáo dục kỹ năng khi sử dụng mạng được đặt ra với mọi cá nhân. Trong không gian mạng dù không có ánh mắt nhìn, nhưng có nút dislike - sự bày tỏ không đồng tình của mỗi cá nhân" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sau phần trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan điểm: "Bộ trưởng nói tốt nhất là đừng xem thông tin xấu, nhưng nếu không xem thì sao biết đó là xấu hay tốt? Quan trọng là người sử dụng mạng phải tự bảo vệ mình, phải biết phân biệt đúng sai", báo An ninh Thủ đô đưa tin.