Những ngày gần đây, phụ huynh trường Quốc tế Singapore (Ba Đình, Hà Nội) nhiều lần tập trung trước cổng trường treo băng rôn phản đối việc thu học phí online của trường.
Theo thông báo, mức học phí học online trong thời gian nghỉ dịch Coid-19 sẽ bằng 80-85% mức học phí bình thường, tùy theo từng lớp khác nhau.
Chị M.T có con đang học hệ Song ngữ của trường quốc tế Singapore cho rằng, việc học online không đảm bảo chất lượng. Chương trình học online chính thức được đưa ra từ cuối tháng 3, nhưng đến đầu tháng 4 mới đi vào ổn định. “Nhà trường chỉ giảm 20% học phí đối với học phần 3 tính từ ngày 3/2-3/4 là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở, khi học sinh phải nghỉ học hoàn toàn đến tận cuối tháng 3/2020 mới bắt đầu học trực tuyến. Như vậy có hơn 1 tháng các con không học nhưng vẫn mất hàng chục triệu tiền học phí.
Việc thu phí đầy đủ như bình thường với học phần 4 tính từ ngày 13/4 đến 19/6 cũng bất hợp lý, không có căn cứ, khi học sinh vẫn phải nghỉ học gần 1 nửa thời gian của học phần 4 (tính đến ngày 11/5/2020) và việc học trực tuyến thiếu ổn định với chất lượng và hiệu quả thấp”, chị M.T cho biết.
Không chỉ chị M.T, nhiều phụ huynh khác trong trường cũng cùng chung bức xúc, ký vào đơn kiến nghị gửi đến nhà trường.
Được biết, mức học phí của trường Quốc tế Singapore giao động từ 185 triệu - 405 triệu tuỳ theo cấp, chương trình học. Đây được xem là một trong những trường đắt đỏ nhất nhì Hà Nội.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho biết, hiện nay việc thu học phí được thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, quy định về cơ chế thu quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Theo Khoản 3, Điều 3 Nghị định quy định về nguyên tắc xác định học phí, thì cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Như vậy, các trường ngoài công lập được phép tự quyết vấn đề thu học phí. Việc thu học phí sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của nhà trường với phụ huynh học sinh, được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học và cả lộ trình.
Luật sư Cường cho biết, cũng tại Nghị định này quy định các đối tượng được giảm học phí và trường hợp không thu học phí có thời hạn. Cụ thể, khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiên tai. Nhà nước thực hiện cấp bù học phí trực tiếp cho các cơ sở giáo dục công lập và cấp bù học phí cho các đối tượng được hưởng chính sách không thu học phí học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập khi xảy ra thiên tai theo mức học phí của chương trình đại trà tại các trường công lập trên cùng địa bàn.
Riêng về việc thu học phí trong thời gian học online do dịch Covid-19, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định, học phí tại các trường ngoài công lập do sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Trường hợp dịch Covid-19 không phải trường hợp quy định không thu học phí. Song Luật sư Cường cho rằng, các cơ sở giáo dục ngoài công lập cần thỏa thuận với phụ huynh các khoản thu phát sinh phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.
“Dịch vụ học online và hướng dẫn học sinh trong thời gian nghỉ dịch là phát sinh ngoài chương trình chính khóa. Thường thì phụ huynh và nhà trường sẽ thỏa thuận về chương trình hỗ trợ này và mức thu thêm nếu có. Nhà trường phải căn cứ vào nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ hỗ trợ và công khai khoản thu thêm này. Hiện nay chúng ta mới chỉ quy định thu học phí các chương trình đào tạo chính khóa. Đối với các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online, thì việc quy định mức thu cho các loại hình bổ trợ phải dựa trên thỏa thuận tham gia và đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình học sinh.
Đây là dịch vụ thỏa thuận, nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau, trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các dịch vụ này, tránh tình trạng học sinh nghỉ học quá dài không được cập nhật, củng cố kiến thức.
Các trường phải có nghĩa vụ thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai. Nếu như nhà trường tự ý thu học phí học trực tuyến mà không có sự thỏa thuận với phụ huynh về học phí online, cũng không có sự giải thích về khoản tiền học phí đã đóng trong thời gian học sinh nghỉ dịch thì không phù hợp, dễ nhận các phản ứng trái chiều”, LS Cường nhấn mạnh.
Trước đó, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng các trường ngoài công lập chỉ được thu học phí học online khi nào đạt được thỏa thuận với phụ huynh.
“Quan điểm Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là chỉ được thu học phí khi đã thỏa thuận được với phụ huynh, chưa thỏa thuận được thì chưa được phép thu. Với trường công thì đương nhiên không được một đồng nào. Trường ngoài công lập thì thu trên nguyên tắc phải thỏa thuận với phụ huynh.
Thông thường, phụ huynh trường ngoài công lập đóng học phí từ đầu năm. Trong các tháng nghỉ phòng dịch, nhà trường chuyển sang hình thức dạy học online, nhưng mức thu thế nào thì phải thỏa thuận với phụ huynh. Không thể tùy tiện muốn khấu trừ thế nào cũng được”, ông Quang cho biết.
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng trong trường hợp này, phụ huynh và nhà trường cần bình tĩnh để cùng thỏa thuận đưa ra mức thu phù hợp.