Vào đầu tháng 4, các lệnh hạn chế đi lại đã giúp giảm 17% ô nhiễm carbon trên toàn thế giới so với cùng kỳ năm ngoái, theo đánh giá đánh giá về tác động của đại dịch đối với khí thải CO2, được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.
Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ấn Độ chiếm 2/3 lượng suy giảm trong 4 tháng đầu năm 2020, tương đương hơn một tỷ tấn CO2.
Tổng lượng khí thải từ ngành công nghiệp và năng lượng năm ngoái đã đạt mức kỷ lục 37 tỷ tấn.
Corinne Le Quere, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall tại Đại học East Anglia, cho biết: "Việc phong tỏa người dân đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong thói quen sử dụng năng lượng và khí thải CO2.
Những mức giảm đáng kể này có khả năng chỉ là tạm thời, vì chúng không phản ánh những thay đổi cấu trúc trong các hệ thống kinh tế, giao thông hoặc năng lượng".
Nếu nền kinh tế toàn cầu phục hồi như trước đại dịch vào giữa tháng 6 - một kịch bản vốn không thể xảy ra - lượng khí thải CO2 vào năm 2020 được dự đoán sẽ chỉ giảm 4%, theo nghiên cứu của Le Quere.
Nhưng nếu hạn chế khóa máy kéo dài trong suốt cả năm, mức giảm sẽ vào khoảng 7%.
Với gần 5 triệu ca nhiễm đã được xác nhận và 320.000 ca tử vong, đại dịch COVID-19 đã làm chệch hướng sự chú ý khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu, vốn luôn được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các hội nghị toàn cầu.
Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất cho đến nay đã tăng thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - đủ để làm gia tăng tình trạng hạn hán, sóng nhiệt và siêu bão.
Theo Thỏa thuận chung Paris 2015, gần 200 quốc gia cam kết sẽ giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu "thấp hơn" 2 độ C.
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng việc đạt được mục tiêu đầy tham vọng này sẽ khó khăn đến mức nào.
"Đại dịch đã cho chúng ta thấy rằng cần phải thay đổi cấu trúc lớn trong hệ thống giao thông và năng lượng", Mark Maslin, giáo sư khí hậu học tại Đại học College London, chia sẻ.
Một số chuyên gia cho rằng đại dịch có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đó.
"Nhiên liệu hóa thạch dường như đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với năng lượng tái tạo", Glen Peters, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc tế ở Oslo, cho biết.