Lý Bạch - Thi Tiên vĩ đại của Trung Hoa
Lý Bạch (701 - 762) được xem là một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên.
Lý Bạch |
Học giả Lý Dương Băng trong "Thảo Đường Tập Tự" đã có câu nói bất hủ về thiên tài Lý Bạch “Thiên tải độc bộ, duy công nhất nhân” (Hàng ngàn năm chỉ có một mình ông mà thôi).
Hơn 1.000 bài thơ của Lý Bạch còn để lại có một ảnh hưởng rất sâu rộng trong lịch sử văn học Trung Quốc và được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian.
Ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, nhiều học giả đã dày công nghiên cứu thi ca Lý Bạch và luôn tìm thấy những vẻ đẹp mới của thơ Lý Bạch.
Thơ của Lý Bạch rất giản dị tự nhiên, không cầu kỳ chải chuốt, gọt dũa mà ý thơ sâu sắc, có sức truyền cảm mạnh mẽ và sức quyến rũ một cách lạ lùng. Người ta gọi Lý Bạch là “Người Trung Hoa kim cổ kỳ nhân” chính vì vậy.
Lý Bạch làm hơn 20.000 bài thơ cả thảy, nhưng làm bài nào vứt bài đó, nên được biết tới là nhờ dân gian ghi chép hơn cả. Sau loạn An Lộc Sơn thì mất rất nhiều.
Đến khi ông mất năm 762 thì người anh họ Lý Dương Lân thu thập lại, thấy chỉ còn không tới 1/10 so với người ta truyền tụng. Sang năm 1080, Sung Minh Chiu người Cao Ly mới gom góp lại tập thơ Lý Bạch, gồm 1800 bài.
Lý Bạch là người rất yêu Trăng |
Cho đến nay, thơ Lý Bạch còn trên dưới 1000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, nhưng nổi tiếng trong dân gian thì có: Tương Tiến Tửu, Hiệp khách hành, Thanh Bình Điệu, Hành lộ nan...
Nhà thơ Bì Nhật Hưu thời vãn Đường nói rằng: "Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến giờ, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần, đọc xong thì thần ruổi tám cực, lường rồi thì lòng ôm bốn bể, lỗi lạc dị thường, không phải lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch".
Khác với Đỗ Phủ (người kém Lý Bạch 11 tuổi, và cũng được hậu bối tôn là Thi Thánh (Thơ Thánh), thơ Lý Bạch thích viển vông, phóng túng, ít đụng chạm đến thế sự mà thường vấn vương hoài cổ, yêu nét đẹp của thiên nhiên, cảm thông cho người chinh phụ, nhớ quê hương....
Những câu chuyện người đời truyền tụng về Lý Bạch:
Chuyện thi cử
Năm Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông (742), Lý Bạch đến Tràng An ứng thí, tình cờ gặp Hạ Tri Chương (đang giữ chức Hàn Lâm), cả hai đều mê rượu, mê thơ nên trở thành thân thiết.
Đề thi năm ấy là: "Không mong văn chương hơn thiên hạ, chỉ cần văn chương đúng ý quan chấm thi".
Khoa thi vừa xong, Hạ Tri Chương sợ Lý Bạch không có tiền đút lót sẽ bị đánh rớt, liền gửi một lá thư giới thiệu cho giám khảo. Thư đến hai quan giám khảo là Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung, hai người này vốn không thích Hạ Tri Chương, nên càng ghét Lý Bạch.
Lúc chấm thi, thấy hai chữ Lý Bạch, Dương Quốc Trung liền phê: "Người này dốt quá chỉ đáng mài mực cho bọn sĩ tử thôi". Cao Lực Sĩ phê hùa theo: "Có lẽ chưa đáng mài mực, chỉ đáng cởi giày cho họ thôi". Rồi đánh hỏng vào bài thi của ông.
Chuyện trong cung
Thi rớt kỳ ấy, Lý Bạch nghe lời Hạ Tri Chương ở lại chơi ít tháng, đợi Hạ tiến cử. Một hôm sứ nước Phiên dâng thư cho vua Huyền Tôn bằng tiếng Phiên, cả triều không ai đọc được.
Vua vừa tức giận vừa hổ thẹn, hẹn sứ giả 6 ngày sẽ trả lời thư. Hạ Tri Chương kể chuyện cho Lý Bạch nghe. Vì Lý Bạch từng được mẹ dạy chữ Phiên, ông bảo "cũng chẳng khó gì", liền hôm sau được vua Đường vời vào triều.
Lý Bạch không chịu vào, vua liền phong cho chức Học vị tiến sĩ, ông mới mặc áo, đội mão bước vào. Cầm thư Phiên, Lý đọc vanh vách, vua từ đó rất thích ông, không ngờ lại có người thông tuệ như vậy, liền thăng chức cho ông làm Hàn Lâm học sĩ.
Cái chết 'kỳ lạ' của Thi Tiên Lý Bạch
Thời kỳ sau của Lý Bạch ít được chú ý, đến khi Đường Đại Tông - một người yêu thơ Lý Bạch - lên ngôi thì ông đã không còn nữa rồi.
Có người bảo ông chết do bệnh, nhưng trong dân gian còn lưu truyền một chuyện đẹp đẽ về cái chết của Lý Bạch:
Lý Bạch và Trăng như hình với bóng, trong thơ Lý Bạch tràn đầy ánh trăng và nhìn vào Trăng, người ta thấy thơ Lý Bạch và như thấy hình bóng ông lúc ẩn lúc hiện.
Lý Bạch chơi thuyền trên sông Thái Thạch |
Có lẽ vì thế mà trong dân gian còn lưu truyền một chuyện rất đẹp về cái chết của ông: Lý Bạch chơi thuyền trên sông Thái Thạch (khúc sông Dương Tử ở chỗ có hòn Thái Bạch), trong khi say rượu thấy bóng trăng ở lòng sông ông nhảy choàng xuống để bắt lấy mà cùng với trăng vĩnh viễn an giấc ngàn thu!...
Người đời sau dựng một cái đài ở đấy gọi là “Tróc nguyệt đài” (Đài bắt trăng)… Có những họa sĩ Trung Quốc đã vẽ những bức tranh "Lý Bạch bắt trăng".
Lương Ánh (T/h)
Xem thêm:
- Khổng Tử thế gia và 20 lời răn truyền thế
- Lăng mộ Tần Thủy Hoàng và những thách thức to lớn với các nhà khảo cổ