Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về quy định "không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ", Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng đây không phải là quy định gì lạ: "Theo tôi đây không phải là quyết định gì lạ. Đây là một trong những quy định về đối xử nhân đạo mà thế giới gọi là "animal welfare" và dịch ra là phúc lợi, quyền của động vật. Nói cho dễ hiểu hơn cho gần gũi với văn hóa của người Việt mình là nhân đạo với động vật. Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia có điều luật này như Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã áp dụng từ lâu nên tôi cho rằng chúng ta đang bước đầu tiếp cận dần dần với xu thế của thế giới".
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng cục Chăn nuôi, bộ NN&PTNT cho rằng quy định này không có gì lạ mà đây là đối xử nhân đạo với động vật. |
Lý giải về quy định trên, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết:"Quy định này được đưa ra để giúp vật nuôi giảm được đau đớn, bị đối xử dã man. Trong chăn nuôi, trong vận chuyển, trong giết mổ hay nghiên cứu khoa học thì làm sao để vật nuôi có được một điều kiện tốt nhất để sinh trưởng, phát triển cũng như giảm đi những ngược đãi đau đớn nhất để nó có thể tăng trưởng tốt, đẻ nhiều trứng, có nhiều sữa để phục vụ cho con người".
"Trong giết mổ, chúng ta cần phải giúp các con vật không bị đau đớn, đau khổ trước cái chết vì vật nuôi là một trong những loài có hệ thần kinh trung ương rất phát triển. Nếu trước khi con vật bị giết mổ mà phải chứng kiến đồng loại mình đau đớn thì nó sẽ tiết ra hóc môn chống lại những hành động giết mổ. Hóc môn này sẽ được đưa vào máu và tiết ra thịt sẽ khiến thịt không ngon", Cục trưởng cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm.
Bên cạnh đó, để có chất lượng thịt tốt nhất thì ông Dương cho rằng: "Chúng ta không được ngược đãi, đánh đập động vật, không được để vật nuôi đói khát. Chúng phải được cung cấp đủ thức ăn, nước uống trong quá trình nuôi dưỡng, vận chuyển hay kể cả trong quá trình chờ giết mổ quá lâu".
Theo ông Dương, cách để đối xử nhân đạo nhất đối với động vật bị giết mổ là cho cái chết thật nhanh để con vật đỡ đau đớn nhất: "Trước đây, chúng ta giết mổ động vật bằng nhiều cách thủ công như dùng búa đánh vào đầu khiến chúng rất đau đớn và chưa chết ngay nên cần dùng phương pháp kích điện để con vật đi qua dòng điện này sẽ chết ngay và không kịp đau đớn".
Khi giết mổ tập trung thì làm sao để con vật không được chứng kiến đồng loại thì ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng:"Rất đơn giản thôi, bây giờ giết mổ tập trung ở các khu công nghiệp thì chúng được đi theo một luồng nhất định nên không nhìn được con khác. Chúng được đưa vào luồng đó thì sẽ bị thụt xuống hố và sẽ bị kích điện chết ngay sau đó sẽ được chuyển đến những công đoạn tiếp theo".
Bên cạnh đó ông Dương cho rằng: "Quy định này tôi cho là khả thi bởi trong các khu công nghiệp giết mổ tập trung mà trong nước đang có thì chắc chắn sẽ có quy trình giết mổ để con vật không nhìn thấy nhau. Còn giết mổ thủ công thì đơn giản nhất là chúng ta quây và che kín đi thôi".
Khi được hỏi nếu người dân vẫn cố tình vi phạm quy định trên thì đã có chế tài xử phạt chưa thì Cục trưởng cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết: "Bây giờ chúng tôi đang xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính và sẽ đưa vào chế tài xử phạt. Bên cạnh đó chúng ta sẽ giáo dục, tuyên truyền cho người dân. Nếu không được thì cuối cùng chúng ta mới xử phạt".