Mắc bẫy lừa với công nghệ trị sẹo “siêu tốc”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Mạng xã hội tràn ngập quảng cáo trị sẹo siêu tốc khiến rất nhiều chị em phụ nữ và cả nam giới đã không ngần ngại bỏ số tiền lớn để mong lấy lại làn da mịn màng. Thế nhưng, kết quả không như lời quảng cáo.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trị sẹo chỉ sau… 60 phút

Một cơ sở thẩm mỹ tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội rầm rộ quảng cáo công nghệ xóa sẹo độc quyền đã khiến không ít khách hàng chú ý. Với công nghệ xóa sẹo trong khoảng 60 phút, làn da của khách hàng sẽ được cải thiện 90-95%. Bên cạnh việc xóa vĩnh viễn các vết sẹo, rạn, công nghệ này còn được các nhân viên spa quảng cáo giúp da phẳng mịn, khỏe đẹp từ bên trong, thậm chí “hoàn tiền nếu không đem lại hiệu quả”. Một cơ sở thẩm mỹ khác ở Hà Đông, Hà Nội quảng cáo có thể trị sẹo thành công cho các trường hợp đã từng điều trị thất bại trước đó. Công nghệ trị sẹo ở đây cũng được giới thiệu là độc quyền, chuyển giao từ Mỹ.

Tin vào lời quảng cáo, anh Nguyễn Kiên (30 tuổi, đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) đã tìm tới một cơ sở thẩm mỹ tại Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội vì những vết rỗ do thời dậy thì để lại. “Tôi được một người xưng là bác sĩ da liễu tư vấn gói dịch vụ trị sẹo giá hơn 50 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, nhân viên che mắt tôi lại nên tôi không rõ họ đã làm như thế nào. Sau khi xóa sẹo, mặt tôi bị đỏ ửng, cảm giác đau rát như vừa bị đốt”, anh Kiên kể. Không giống như quảng cáo “có thể cải thiện hơn 90% sau buổi đầu tiên”, tình trạng sẹo rỗ của anh không có bất cứ tiến triển nào. Anh Kiên được nhân viên của cơ sở này cho biết do cơ địa nên phải tiếp tục làm thêm. Tổng cộng anh đã nộp 85 triệu đồng vào cơ sở để trị sẹo dứt điểm, tuy nhiên, sẹo rỗ của anh không hề cải thiện.

Tương tự, chị Hoài Thu, 27 tuổi, phố Khâm Thiên, Hà Nội cũng vì tin vào lời quảng cáo trị sẹo siêu tốc với 50 triệu đồng. Theo chị Thu, một mặt, phía spa khẳng định bằng miệng có thể điều trị khỏi hoàn toàn, hiệu quả hơn 90% trong buổi đầu tiên nhưng trong hợp đồng lại ghi “kết quả phụ thuộc vào cơ địa của từng người”.

Thông thái trước “ma trận” quảng cáo

Là bác sĩ chuyên khoa 2 lâu năm, BS Phương Quỳnh Hoa - Trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương khẳng định, sẹo không thể hết sau một liệu trình, đối với từng loại sẹo sẽ có cách điều trị riêng.

Cụ thể như, sẹo lồi là loại sẹo bệnh lý có sự tăng sinh quá mức của collagen sau tổn thương tạo sẹo. Sẹo lồi có xu hướng phát triển to hơn so với tổn thương ban đầu gây ra sẹo. Phương pháp điều trị sẹo lồi khá đa dạng, đầu tiên có thể kể đến phương pháp tiêm thuốc nội sẹo với các thuốc như triamcinolone, bleomycin... Ngoài ra còn có phương pháp áp lạnh bằng ni tơ lỏng; sử dụng phối hợp với các loại laser…

Trong khi đó, sẹo lõm (sẹo rỗ) là sẹo do sự mất tổ chức gây ra hiện tượng lõm trên bề mặt da. Nguyên nhân gây ra sẹo lõm có thể do vết thương, nhọt, áp xe, thủy đậu, mụn trứng cá. Nguyên lý của các phương pháp điều trị sẹo hiệu quả là tạo ra các vi tổn thương giúp cho da tăng sinh collagen, từ đó làm đầy sẹo. Các phương pháp trên có thể làm riêng biệt nhưng thường được phối hợp với nhau để tăng hiệu quả.

Bác sĩ Phương Quỳnh Hoa cảnh báo: “Trên mạng gần đây có nhiều cơ sở quảng cáo trị được sẹo chỉ sau một lần. Nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi và trên thế giới, tình trạng sẹo nói chung cũng như sẹo lõm do mụn trứng cá nói riêng không thể hết sau một lần điều trị. Các phương pháp điều trị sẹo hiện tại nhằm mục đích cho da tăng sinh collagen và tổ chức làm đầy sẹo, quá trình này phải mất nhiều tháng”.

Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp điều trị sẹo bằng cách sử dụng các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, trong đó có những trường hợp bị loét, nhiễm trùng, hoại tử tại vị trí tiêm. Nhiều trường hợp sau khi điều trị hết loét, nhiễm trùng, vùng da của bệnh nhân để lại sẹo lồi, lõm, tăng giảm sắc tố lẫn lộn gây mất thẩm mỹ rất nhiều. Với “ma trận” quảng cáo như hiện nay, bệnh nhân nên tỉnh táo để lựa chọn cơ sở uy tín, tránh mất tiền mà không đem lại hiệu quả.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).