Mất cắp cổ vật và nỗi lo gìn giữ di sản

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian vừa qua, tình trạng trộm cắp cổ vật, đồ thờ tự tại các điểm di tích diễn ra với mật độ ngày càng tăng, số lượng cổ vật bị mất ngày càng nhiều. Điều này một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về công tác bảo quản, bảo vệ di sản.
Mất cắp cổ vật và nỗi lo gìn giữ di sản

Hà Nội hiện có gần 6 nghìn di tích, trong đó có có 1 di tích được công nhận là Di sản Thế giới, 18 Di tích Quốc gia đặc biệt, 50 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, hơn 1.800 đình, 2.007 chùa, 811 đền, 292 miếu… và có một thống kê khiến mọi người không khỏi giật mình là từ năm 2009 đến nay, đã có 20 di tích trên địa bàn 7 quận, huyện đã bị mất hàng trăm cổ vật, hiện vật, di vật quý...

Tương tự Hà Nội, tỉnh Bắc Giang cũng là một trong những điểm nóng của nạn mất cắp cổ vật. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, hơn 15 năm qua, trên địa bàn đã xảy ra 62 vụ đạo chích “viếng thăm” di tích, hàng trăm cổ vật như tượng, sắc phong, câu đối, chuông, chấp kích, lư hương... đã không cánh mà bay. Ngoài thiệt hại về kinh tế ước tính nhiều tỷ đồng, những tổn thất giá trị tinh thần, nghệ thuật khó có thể đo đếm bởi hầu hết cổ vật đều là linh vật đối với mỗi di tích, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao...

Không chỉ Hà Nội, Bắc Giang mà ở nhiều địa phương khác như tỉnh Khánh Hòa, TP. Hải Phòng, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh... cũng bị trộm đột nhập, lấy đi nhiều cổ vật quý. Những vụ việc trộm cắp cổ vật cho thấy, các đối tượng ngày càng táo tợn, tinh vi và có tổ chức. Điều đáng nói là dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra nhưng phần lớn cổ vật bị mất trộm vẫn bặt vô âm tín, trừ một số rất ít được cơ quan công an và hải quan phát hiện khi chúng được vận chuyển qua cửa khẩu.

Điều này đã cho thấy, vấn nạn trộm cắp, mua bán, tiêu thụ, sử dụng trái phép cổ vật đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường: “Ngày xưa, đình, đền, chùa rất là thiêng, chả ai dám đụng chạm đến nhưng mà bây giờ nó coi thường. Hiện vật, cổ vật trở thành mục tiêu để kẻ gian săn lùng. Một vấn đề nữa là Luật đã quy định cấm, không được mua bán những cổ vật có xuất xứ từ các đình, đền, chùa nhưng thực tế chuyện này chưa được giải quyết một cách triệt để” - GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL cho biết.

Vừa mới đây thôi, một vụ trộm cắp cổ vật nữa đã lại xảy ra ở Đền Quốc Tế thuộc xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngôi đền đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT & DL) cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử văn hóa” cấp Quốc gia ngày 22/9/1992. Trong vụ việc này, nhà Đền đã mất 40 sắc phong và sách cổ rất có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.

Dị Nậu là một miền đất cổ, là địa vực in dấu những hoạt động của các tướng lĩnh danh tiếng thời Hùng Vương dựng nước. Theo Thần tích (Ngọc Phả) còn lưu trữ được ở Viện nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội thì khi các Đức Ngài Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương, Hiếu Lang Đại vương đời vua Hùng Duệ Vương trên đường đi dẹp giặc Thục Phán đã đến trang Dị Nậu hạ trại, dựng phủ đường ở gò Trạm Lĩnh và 4 quân doanh cho quân sĩ đồn trú. Sau này, những nơi đó được nhân dân xây dựng đền Quốc tế (người dân địa phương gọi là đền Thượng) và 4 ngôi điện: Điện Đông, Điện Tây, Điện Nam, Điện Bắc vào năm 258 TCN.

Đền Quốc tế nằm biệt lập trên đỉnh gò Trạm Lĩnh, hướng chính Tây, nhìn thẳng về dãy núi Kiêu Biền. Đền được xây dựng kiến trúc theo kiểu chữ nhị và lưu giữ nhiều di vật phong phú và quý hiếm như: Sắc phong, ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách… phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ tinh xảo của đời xưa, là những di sản vô giá không chỉ của đền Quốc Tế của xã Dị Nậu và tỉnh Phú Thọ.

Vào đêm ngày 22/5/2021, vì nằm cách xa khu dân cư, trời mưa lại to và rình lúc không có cụ từ trông nom, kẻ gian đã đột nhập vào đền Quốc Tế, phá két lấy đi 40 sắc phong và sách cổ chữ Hán, có độ dày khoảng 2 gang tay. Ông Tạ Đình Hạp, Ban Quản lý di tích xã Dị Nậu cho biết, chỉ ít ngày trước, những bộ sắc phong này mới vừa được Cục Lưu trữ 1 lên giúp phục chế lại những chỗ rách hỏng, đồng thời chụp lại đóng thành 2 quyển rồi dịch ra chữ quốc ngữ. Tất cả đều cất trong két nhưng bọn trộm chỉ lấy sắc phong cổ mà vứt lại phần mới dịch.

“Cái cổ nhất là cái thời vua Lê Chân Tông 17/05 năm Ất Dậu 1645 phong cho Đức Thành Cao Sơn là Linh ứng Đại vương, còn cái cuối cùng là năm 1909 của vua Duy Tân năm thứ 3 phong cho các Đức Đại vương ở đây. Trong 40 sắc phong ấy thì phong cho Đức Thánh Cao Sơn đến tận 28 lần, các Đại vương ít nhất thì được phong 2 lần, các ngài khác thì 5-7 lần”.

Theo tiết lộ của ông Tạ Đình Hạp, chỉ sau vụ mất trộm vài ngày, kẻ xấu lại tiếp tục đột nhập lần thứ hai. Tuy nhiên, những tài liệu và sắc phong chưa được dịch còn lại đang được cất giữ đằng sau ngai thờ Đức Thánh Cao Sơn đã may mắn không bị kẻ xấu phát hiện và lấy đi. Ngay sau đó, số tài liệu và sắc phong này đã được sơ tán, bảo quản kỹ và cất giữ nơi an toàn .

“Bị mất cũng là do chủ quan thôi vì từ trước đến giờ, qua hàng mấy trăm năm có sao đâu. Nếu mà đem gửi nhà dân thì cũng không được nên khi xảy ra sự việc thì mới thấy hết tầm quan trọng của những sắc phong với sách cổ này” - Ông Phạm Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cho biết.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL, đây là một sự việc hết sức nghiêm trọng, thể hiện sự manh động và bất chấp của một số thành phần xấu trong xã hội: “Chuyện mất cổ vật ở trong các đình, đền, chùa diễn ra khá nhiều nhưng mà chế tài xử phạt thì rất là nhẹ so với các hình phạt khác. Trong lĩnh vực Di sản văn hóa, Luật thì quy định như thế nhưng thực tế thì chưa đi vào cuộc sống. Chúng ta quá nương nhẹ trong các vụ án mà đã được phát hiện trong lĩnh vực Di sản văn hóa”.

Một chuyên gia nhận định, nếu tình trạng này không sớm được ngăn chặn thì cổ vật nước ta dù có phong phú, đa dạng đến mấy rồi cũng bị mất hết. Ðiều đó ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như văn hóa, lịch sử nước nhà.

Theo VOV
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.