Tờ Clarín của Argentina cho biết vụ mất điện tồi tệ nhất trong lịch sử nước này đã xảy ra sau 7 giờ sáng (giờ địa phương), ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các quốc gia láng giềng như Uruguay, Paraguay và một số thành phố ở Chile.
"Sự cố hy hữu này sẽ được điều tra kỹ lưỡng", Tổng thống Argentina Mauricio Macri, tuyên bố.
Sự cố được cho là bắt nguồn từ đập thủy điện Yacyretá trên sông Paraná, các nhà chức trách Argentina đã rất nỗ lực để đem điện trở lại cho 44 triệu người dân.
Đến chiều Chủ nhật, Tổng thống Macri tuyên bố điện đã được khôi phục cho khoảng một nửa dân số cả nước. Tuy nhiên, các nhà chức trách thừa nhận họ vẫn không thể lý giải nguyên nhân vụ việc.
Bộ trưởng Năng lượng Argentina Gustavo Lopetegui trong một cuộc họp báo đã thừa nhận có thể phải mất tới 2 tuần để điều tra nguyên nhân sự cố cũng như tìm ra những cá nhân phải chịu trách nhiệm.
Chỉ có duy nhất một khu vực ở Argentina - quần đảo phía nam Tierra del Fuego, được báo cáo là không bị ảnh hưởng.
Mất điện đã làm tê liệt một phần hệ thống giao thông ở thủ đô Buenos Aires, khiến các chuyến tàu điện bị đình trệ trong khi hệ thống đèn giao thông ngừng hoạt động.
Silvio Ubermann - một cư dân ở Buenos Aires, cho biết ông chưa bao giờ chứng kiến sự cố mất điện nghiêm trọng như vậy. "Nếu đây là một ngày trong tuần, nó sẽ rất hỗn loạn", người đàn ông trả lời hãng thông tấn AP.
Công ty nước AySA đã yêu cầu người dân tiết kiệm vì mất điện đồng nghĩa với việc hệ thống phân phối nước không hoạt động.
Thủ đô Montevideo của Uruguay cũng chìm trong bóng tối vào ngày Chủ nhật, nguồn sáng duy nhất đến từ những con tàu cập cảng ngoài khơi. Chỉ có một vài tòa nhà - trong số đó có các khách sạn sang trọng của thành phố, được thắp sáng nhờ máy phát điện khẩn cấp.
Ông Ernesto Gimenez, một người dân địa phương, cho biết: "Tôi chưa từng chứng kiến một trường hợp mất điện nào ở quy mô này".
Các nhà chức trách Uruguay cũng cảnh báo rằng sự cố mất điện đã ảnh hưởng đến việc lắp đặt và vận hành hệ thống, người dân cũng được khuyến cáo nên tiết kiệm nước. Tuy nhiên, đến giữa trưa, điện đã trở lại ở hầu hết thủ đô Monteovideo, mặc dù các khu vực khác của đất nước vẫn chìm trong bóng tối.
Vụ việc xảy ra chỉ hơn 3 tháng sau khi một loạt các vụ mất điện lịch sử bắt đầu tàn phá Venezuela, khiến hàng triệu người dân của họ rơi vào cảnh sống bóng tối suốt nhiều ngày.
Trước đó vào năm 2009, hàng triệu người Brazil cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự sau khi lưới điện từ đập thủy điện Itaipu gặp sự cố.