Các nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã nhận diện hơn 3.200 vết nứt, với mỗi vết đứt dài nhiều km và sâu hàng chục mét.
Các vết nứt được cho là kết quả của sự teo nhỏ kích thước Mặt trăng khi lõi của nó nguội mát đi. Việc phân tích hé lộ, chúng đang hình thành do các lực hấp dẫn thủy triều từ Trái Đất.
Cận cảnh một vết nứt hay đường dốc phân thùy trên bề mặt Mặt trăng. Ảnh: NASA |
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu thì trong thời gian gần đây, chu vi của mặt trăng đã bị co lại chừng 100m.
Theo ông Thomas Watters thuộc Viện Bảo tàng Hàng không và Không gian quốc gia Mỹ thì thời gian gọi là gần nhưng cũng phải cách đây khoảng 1 tỷ năm.
Những kết luận trên được rút ra nhờ việc khảo sát các tấm ảnh chụp bằng ống kính cực mạnh đặt trên một thiết bị do thám từ quỹ đạo mặt trăng có tên gọi là Lunar Reconnaissance Orbiter (Tàu quỹ đạo trinh sát mặt trăng -LRO), được NASA đặt lên trên quỹ đạo quanh mặt trăng từ tháng 6/2009.
Các tấm ảnh chụp được cho thấy có sự tồn tại những ngấn nứt trên bề mặt của mặt trăng. Đó là những vết nứt bị xô chờm lên nhau, chủ yếu có vị trí ở trong những vùng địa hình có độ cao trung bình xung quanh mặt trăng. Đây là những dấu hiệu cho thấy mặt trăng co lại dưới tác dụng của nhiệt độ trong lòng bị lạnh lại.
Ông Thomas Watters tin rằng, trong lòng mặt trăng vẫn còn đang diễn ra những quá trình hoạt động địa chất - lõi và chất phủ (tương tự vỏ trái đất) vốn từng rất nóng nên trương nở, nay trong quá trình nguội dần nên co nén lại. Chính vì vậy, bán kính mặt trăng trở nên ngắn hơn so với trước.
Lực thủy triều Trái Đất tác dụng lên Mặt Trăng (mũi tên đen) và các vết nứt gãy (đỏ) |
Thomas Watters cho biết: "Có một dạng đồng nhất về phương hướng của hàng ngàn vết nứt. Nó ám chỉ thứ gì đó đang tác động đến sự hình thành chúng, thứ gì đó cũng đang tác động ở quy mô toàn cầu - nhào nặn và tái sắp xếp chúng".
Từ những dữ liệu này, các nhà khoa học đã xác định được lực hấp dẫn từ Trái Đất đã định hướng các nứt gãy hình thành trong lúc Mặt Trăng co lại. Đây là lực tương tự như lực hấp dẫn của Mặt Trăng tác dụng lên nước biển trên Trái Đất, gây ra hiện tượng thủy triều.
"Trước đây chúng tôi đã nghi ngờ lực này chính là nguyên nhân, nhưng chưa dám kết luận. Hiện giờ, với các bức ảnh ghi lại hơn một nửa bề mặt Mặt Trăng, chúng tôi đã có thể bắt đầu tập trung vào các mô hình cấu trúc địa hình ở đây", Mark Robinson, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Trái đất đang khiến Mặt trăng teo nhỏ dần |
Các thay đổi về lực hấp dẫn trên Mặt Trăng khi đang dịch chuyển theo quỹ đạo hình elip quanh Trái Đất đủ để gây ra sức ép đặc biệt trên bề mặt. Tiến sĩ Watters giải thích, khi các lực thủy triều lên Mặt Trăng cộng hưởng với sự teo rút toàn cầu của phần lõi mát đi bên trong, sức ép tổng cộng của chúng sẽ khiến các vết nứt hình thành theo các dạng mẫu nhất định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kích thước Mặt Trăng quả là có đang giảm dần, nhưng quá trình bị thu nhỏ lại diễn ra rất chậm, và đến một mức độ nào đó thì sẽ dừng, không ảnh hưởng gì đến Trái Đất.
Anh Phương (TH)
>>> Xem thêm:
- 10 hành tinh bí ẩn nhất khiến các nhà khoa học 'đau đầu'
- 10 bí ẩn vũ trụ lớn nhất, thách thức giới khoa học hiện đại