Chia sẻ trên Sputnik News, chuyên gia Evgeny Tishkovets ở trung tâm khí tượng Fobos của Nga cho biết, tai nạn của chiếc Boeing 737-800 có thể là do đã gặp phải hiện tượng thời tiết hiếm gặp có tên “luồng khí quyển hẹp” khi cố gắng hạ cánh.
Theo đó trong “luồng khí quyển hẹp” vận tốc gió thổi ở khu vực này vượt 100km/h hay 30m/s. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra ở độ cao trên 5km đến gần 10km.
Tuy nhiên điều kiện thời tiết tại Rostov-on-Don vào hôm xảy ra tai nạn cho thấy hiện tượng này đã xuất hiện ở tọa độ cực thấp, chỉ vài trăm mét, ông Tishkovets cho biết.
Thực tế các máy bay thường hạn chế việc hạ cánh khi gặp điều kiện thời tiết như vậy trừ trường hợp phi công nương theo sức gió để tiết kiệm nhiên liệu ở độ cao 9 km.
Theo ông Tishkovets, phi hành đoàn đã quá mạo hiểm khi hạ cánh trong điều kiện mưa to gió lớn và bỏ ngoài tai những cảnh báo mặc dù đã biết từ trước đó.
Theo truyền thông Nga đưa tin, máy bay đã lòng vòng trên không suốt 2 giờ để chờ thời tiết cải thiện nhưng không được. Phi công đã không thể đợi lâu và quyết định hạ cánh.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm máy bay nào cũng có những quy định riêng cấm hạ cánh, cất cánh khi vận tốc gió vượt mức cho phép.
"Máy bay Tu-154 hay một số mẫu máy bay Ilyushin của Nga chỉ được phép hạ cánh khi tốc độ gió vào khoảng từ 10 đến 17 m/giây".
Theo nhận định của Tishkovets, trong trường hợp của chiếc phi cơ thuộc hãng hàng không FlyDubai, nó dường như đã cố hạ cánh khi tốc độ gió vượt mức cho phép.
Minh Vương