Đến chiều nay (12/11), trên địa bàn tỉnh Phú Yên, sự cố mất điện do bão số 6 đã được khắc phục hoàn toàn. Nước trên các sông xuống thấp. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Căn nhà của ông Nguyễn Tấn Sanh ở thôn Hoàng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị sập đổ trong cơn bão số 5 hồi cuối tháng 10 vừa qua. Toàn bộ tài sản trong nhà đều bị hỏng. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng giúp gia đình ông dựng lại nhà tạm để ở. Chưa kịp ổn định cuộc sống, bão số 6 ập đến, nhà ông lại bị hỏng nặng hơn. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy An huy động cán bộ, chiến sỹ dựng nhà bạt dã chiến giúp gia đình ông Sanh ở tạm trong thời gian chờ làm lại nhà mới. Những ngày sau bão số 6, cả gia đình 5 người sống tạm trong căn nhà bạt chật chội, nóng nực.
Ông Sanh mong muốn chính quyền địa phương, nhà hảo tâm giúp gia đình ông sớm có chỗ ở: "Gió bão nhà sập xuống hoàn toàn, thiệt hại tủ, bàn ghế ti vi, quạt điện. Nhà đất lợp tôn cũng xây dựng được 10 năm rồi do xuống cấp nên sập".
Tại tỉnh Phú Yên, sau 2 cơn bão số 5 và số 6, nhiều khu dân cư ven biển ở xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu; xã An Chấn, huyện Tuy An bị triều cường xâm thực. Gió to, sóng lớn gây xói lở, uy hiếp khu dân cư, hàng chục nhà dân hư hỏng, nhiều gia đình phải chuyển chỗ ở.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, một số tuyến đường đi xã miền núi An Lĩnh bị sạt lở, lượng đất đá từ trên núi xuống đổ xuống đường, gây trở ngại giao thông. Khắc phục hậu quả bão số 6, địa phương đã huy động lực lượng thu dọn cây cối, dựng lại trụ điện ngã đổ, giúp đỡ các hộ dân bị sập nhà sớm ổn định chỗ ở.
Đối với khu vực triều cường gây sạt lở ở xã An Chấn, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương đang đề nghị cấp trên tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kè kiên cố: "Đối với kè biển An Chấn, ngày bão vào xâm thực, sóng lớn ảnh hưởng lớn đến các hộ dân, huyện đề nghị với tỉnh và Trung ương hỗ trợ vốn tiếp tục làm kè đoạn xung yếu làm kè 200 tỷ. Trước mắt Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng với địa phương huy động lực lượng, thanh niên xung kích giúp dân che chắn lại cho có chỗ ở an toàn".
Hàng hóa được chuyển ra đảo Lý Sơn |
*Sau 5 ngày bị cô lập, sáng nay (12/11) tuyến giao thông Sa Kỳ - Lý Sơn đã thông tuyến trở lại.
Sáng sớm nay một chuyến tàu vận tải tuyến đảo Lớn - đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn) được cấp phép hoạt động trở lại. Chuyến tàu này chở hơn 2 tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân đảo Bé, giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm sau hơn 2 tuần bị cô lập. Ông Võ Minh Thông, đi tàu vận tải đảo Bé, Lý Sơn, cho biết: "Hai tuần nay biển động nên không có tàu qua lại, đến nay biển êm nên chúng tôi chở vài tấn hàng hoá qua phục vụ cho bà con, gồm có lương thực, đồ thắp sáng, hành tỏi, và đồ vật dụng ăn uống trong ngày".
Hôm nay, 4 chuyến tàu vận tải hành khách, hàng hóa từ đất liền ra đảo Lý Sơn đã hoạt động trở lại. Ngoài giải quyết nhu cầu đi lại của hàng trăm người dân, những chuyến tàu này còn vận chuyển hơn một trăm tấn hàng hóa phục vụ người dân xã đảo.
3 chuyến tàu vận tải hàng hoá từ đảo Lý Sơn trong sáng nay cũng chở hơn 130 tấn hành củ của người dân bị tồn ứ về đất liền tiêu thụ. Mùa biển động, hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn gặp rất nhiều khó khăn khi lệnh cấm tàu hoạt động liên tục được các cơ quan chức năng đưa ra. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, sắp tới sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường, có khả năng mạnh lên thành bão số 7, ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung.
Ông Huỳnh Công Trí, Giám đốc Ban Quản lý cảng Lý Sơn, cho biết, những ngày tới, do thời tiết diễn biến bất thường có thể tuyến giao thông Lý Sơn – Sa Kỳ dừng hoạt động: "Thông tin cho bà con chủ động trữ lương thực, thực phẩm. Ban Quản lý cảng cũng phối hợp với Đồn Biên phòng tăng cường hoạt động cho tuyến giao thông An Bình để chở lương thực, thực phẩm để cho bà con dự trữ lương thực, thực phẩm trong những ngày sắp tới"./.