Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã tiếp nhận 9 ca cấp cứu trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều, da lạnh, tim nhịp nhanh đều, đau thượng vị do ăn phải nấm độc.
Trước đó, 2 chị em Lường Thị Tợi và Lường Thị Nhình trú tại bản Thái, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải lên rừng lấy măng, thấy nấm mọc nhiều nên hái về nấu canh cho cả nhà ăn. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng, 9 người trong 2 gia đình xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, nôn liên tục, thân nhiệt giảm... nên được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã khẩn trương thăm khám, cấp cứu điều trị theo phác đồ. May mắn sau khi cấp cứu, 9 người đều ổn định, hết đau bụng, hết nôn, ăn uống bình thường, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Thời gian qua, nhiều bệnh viện cũng đã ghi nhận không ít ca bệnh nguy kịch vì ăn phải nấm độc, điển hình như trường hợp của 5 thành viên trong một gia đình ở thôn Cốc Nghè, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Theo thông tin ban đầu, con rể ông Bồn Văn Cảnh (sinh năm 1978) là Bồn Văn Thắng và con gái Bồn Thị Tỉnh lên rừng lấy măng thấy nhiều cây nấm lạ, màu trắng nên đã hái về nấu bữa tối cho gia đình. Sau ăn khoảng 2 giờ đồng hồ, 5 người trong gia đình đều có biểu hiện ngộ độc, với các triệu chứng: Đau đầu, nôn, đau bụng, tê tay chân, khó thở... Đến gần nửa đêm, các bệnh nhân được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang để điều trị. Tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã tiến hành xông rửa dạ dày, truyền giải độc, truyền dịch. Sau điều trị, sức khỏe của các bệnh nhân đã may mắn hồi phục.
Nấm tán trắng là một trong những loài nấm cực độc |
Qua các trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được tự ý hái nấm lạ về ăn. Sự nguy hiểm của việc ăn nấm rừng đã được cảnh báo nhiều lần, bởi có rất nhiều nấm độc bằng mắt thường không thể phân biệt được. Nhưng ở vùng nông thôn, nhất là khu vực rừng núi, bà con vẫn dựa vào kinh nghiệm đi rừng, hái về ăn mà không nghĩ rằng có thể nguy hại đến tính mạng.
Sau những trận mưa cũng là lúc các loại nấm tự nhiên sinh sôi và phát triển mạnh. Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý đến nguy cơ ngộ độc nấm rừng. Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.
Một số loại nấm độc có hình dáng được miêu tả giống nấm thông thường nên rất dễ nhầm lẫn.
Nấm đen nhạt: Còn gọi là nấm xanh đen, nấm bìu. Loại này quả nấm thường có màu xanh ôliu hay xanh đen, phiến nấm màu trắng, cuống và vòng màu trắng, chân cuống nấm phình dạng củ.
Nấm tán trắng: Quả nấm màu trắng, đôi khi ở giữa có màu vàng bẩn, bề mặt khi thời tiết khô thì nhẵn bóng, khi trời ẩm thì ướt và dính. Loại này cũng rất độc và đặc biệt là hình thức rất dễ khiến người ta nhầm lẫn.
Nấm đỏ: Quả nấm có màu đỏ rực hay đỏ cam, màu sắc có thể nhạt dần sau mưa, có phủ những vảy màu trắng. Loại nấm này trông rất đẹp còn được gọi là nấm bay, nấm vũ trụ.
Khi đã ăn nấm và có các biểu hiện như thấy nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội cần đến ngay cơ sở y tế để được sơ cứu.