Mùa hè của sinh viên Hà Nội: Về quê hay ở lại?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cứ đến hè, sinh viên nhiều trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội lại đứng giữa hai lựa chọn: về quê với gia đình, hay ở lại làm thêm để trang trải cuộc sống.
Trung Kiên tận tâm với công việc mình lựa chọn.
Trung Kiên tận tâm với công việc mình lựa chọn.

“Đốt” sức khỏe để kiếm tiền

Đã hai năm nay, Thu Hà, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chỉ về quê vào dịp lễ, Tết. Hè năm nay, cô bạn tới từ Vĩnh Phúc này dự định ở lại Hà Nội để làm thêm.

Trước đây, Hà đăng ký làm thực tập sinh cho một số công ty đúng với chuyên ngành bản thân theo học. Còn lần này, Hà lựa chọn công việc hoàn toàn mới là nghiên cứu thị trường cho một thẩm mỹ viện.

“Làm đẹp là một ngành hoàn toàn mới đối với tôi, nên kỳ nghỉ hè này là dịp để tôi học hỏi và thử thách bản thân”, Hà chia sẻ về công việc mới và cho biết cô được giao mảng sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.

Cô gái 21 tuổi cho biết cô không suy nghĩ nhiều về việc lựa chọn ở lại Hà Nội thay vì về quê nghỉ hè. Bởi công việc hè ngoài giúp Hà có thêm thu nhập để đỡ đần gia đình, cô còn có cơ hội bổ sung thêm kinh nghiệm làm việc và tạo dựng mối quan hệ. Hà cũng học được rằng, mưu sinh tại Hà Nội không phải là điều dễ dàng.

Đặt chân vào lĩnh vực mới, Hà phải tìm hiểu thêm rất nhiều kiến thức lạ lẫm, chưa kể tới việc đảm đương nhiều đầu việc một lúc khiến cô rơi vào tình trạng thiếu ngủ.

“Nhiều khi tôi chấp nhận chỉ ngủ 1-2 tiếng/ngày, thậm chí có ngày không ngủ”, Hà bộc bạch.

Mùa hè của sinh viên Hà Nội: Về quê hay ở lại? ảnh 1

Thu Hà với miệt mài làm việc đến khuya.

Chuẩn bị tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật truyền thông đa phương tiện, Trung Kiên cũng lựa chọn ở lại Hà Nội để tiếp tục công việc thiết kế cho một nhãn hàng thời trang còn đang dang dở.

Được làm đúng chuyên ngành, chàng trai 22 tuổi này đã xác định đây sẽ là công việc bản thân theo đuổi lâu dài, nghiêm túc.

“Hè này, tôi ở lại để đảm bảo tiến độ công việc, trau dồi kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm cho công việc tương lai”, Kiên nói.

Cũng giống như hàng vạn sinh viên chọn Hà Nội là nơi lập nghiệp, Hà và Kiên đều vấp phải nhiều khó khăn khi phải sống xa nhà. Thành phố hơn 8,5 triệu dân này đem tới cho hai người trẻ vô vàn cơ hội và thách thức.

Ngay từ những năm đầu đại học, để trang trải chi phí sinh hoạt và ấp ủ ước mơ tự lập, nhiều người trẻ đã không ngần ngại lao ra đường xin việc. Họ miệt mài lao động, chấp nhận những công việc vất vả, bất kể ngày đêm. Nhiều lúc, để hoàn thành công việc, họ đã không tiếc sức khỏe, thức khuya dậy sớm, hứng chịu áp lực từ công ty với mức lương rất thấp.

Chưa kể, sinh viên làm thêm còn dễ dàng trở thành “con mồi” béo bở cho các đối tượng lừa đảo hoặc bóc lột sức lao động như yêu cầu tiền đặt cọc khi xin việc, làm công việc nặng nhọc với mức lương thấp. Thậm chí, có không ít trường hợp sinh viên trở thành đối tượng bị lạm dụng tình dục khi làm việc trong các môi trường khép kín như nhà hàng, quán nước.

Với thu nhập 7 triệu đồng/tháng, vốn là con số đáng mơ ước với nhiều bạn bè cùng trang lứa, Hà cho biết cô đã không cần nhận trợ cấp từ gia đình. Mỗi tháng, cô dành ra phân nửa số tiền để trang trải tiền nhà, tiền ăn và xăng xe. Trước khi được nhận công việc văn phòng, Hà cũng từng có thời gian làm việc tại một tiệm hoa với mức lương 30.000 đồng/giờ.

Bất chấp những khó khăn và cám dỗ, nhiều người trẻ như Kiên và Hà khẳng định việc làm thêm giúp họ tạo lập tác phong chuyên nghiệp, học cách phân bổ quỹ thời gian và sớm tìm được đầu ra cho bản thân.

“Mỗi khi đi làm tôi đều rất nghiêm túc. Dù có phải thức khuya dậy sớm, nắng nôi mưa gió hay bị giao việc không tên tôi vẫn làm. Mệt thì mệt thế nhưng rất vui bởi tôi thấy bản thân mình có giá trị và đang phát triển từng ngày”, Kiên chia sẻ.

Áp lực đủ mọi đường

Chuyện sinh viên vượt khó đi làm thêm không phải điều gì mới lạ. Nhưng trước sự thay đổi của các quy định Nhà nước, cùng với đó là những va chạm, xung đột thế hệ tại nơi làm làm việc đang khiến nhiều bạn trẻ Gen Z cảm thấy vô cùng áp lực khi đi làm.

Mới đây, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến dành một chương quy định về chính sách hỗ trợ việc làm thanh niên, trong đó có quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.

Cụ thể, học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Trách nhiệm quản lý làm việc bán thời gian của học sinh, sinh viên thuộc về cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Dự thảo này được lấy ý kiến từ giữa tháng 3/2024 và thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng các trường đại học chỉ nên kiểm soát điểm số, thay vì giám sát các công việc ngoài giờ của sinh viên.

Nhiều người cho rằng đề xuất này tồn tại không ít bất cập bởi chỉ có chủ thể là sinh viên mới biết rõ mình làm bao nhiêu giờ trong tuần. Việc xác định thời gian làm việc trong tuần cũng rất khó, nhất là khi sinh viên, học sinh thay đổi việc làm liên tục. Do vậy, công tác quản lý và trách nhiệm của người sử dụng lao động càng trở nên khó khăn.

Mức lương được chi trả cũng là một vấn đề nan giải đối với sinh viên khi đi làm thêm. TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) khẳng định rằng cần quy định rõ việc trả lương cho sinh viên khi làm thêm giờ thế nào cho phù hợp với khả năng cống hiến lao động và năng lực của các em.

Với Thu Hà, cô ủng hộ quy định này về mặt nguyên tắc bởi nó giúp đảm bảo sinh viên có đủ thời gian học tập và nghỉ ngơi, tránh tình trạng quá tải dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe và kết quả học tập.

Tuy nhiên, Hà cho rằng cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng quy định này vì 20 giờ/tuần có thể là đủ với một số sinh viên, nhưng với những bạn cần kiếm thêm nhiều thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt hoặc có ý định học thêm kỹ năng thực tế thì 20 giờ/tuần là hạn chế.

Ngoài nguy cơ bị siết chặt giờ làm thêm, nhiều sinh viên thuộc Gen Z thường xuyên đối mặt với định kiến ​​từ các thế hệ trước. Trên mạng xã hội, những bài đăng có nội dung nhận xét về Gen Z nơi công sở thường thu hút nhiều bình luận tiêu cực. Trong đó, nhiều người dùng gán cho Gen Z những từ như: "ham chơi", "lười biếng", "thiếu trách nhiệm", "ít chịu khó"...

Tuy nhiên, không nhiều người sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận những quan điểm mới về cuộc sống và công việc của các bạn trẻ hiện nay.

Mùa hè của sinh viên Hà Nội: Về quê hay ở lại? ảnh 2

Gen Z tâm huyết với nghề nghiệp của mình.

Đặc trưng nổi bật trong cách làm việc của Gen Z là sự chủ động, linh hoạt và thích ứng nhanh chóng với môi trường mới. Họ không ngại thử thách, sẵn sàng học hỏi những điều mới mẻ và luôn tìm kiếm những cơ hội để phát triển bản thân.

Gen Z cũng đề cao sự tự do, độc lập và mong muốn được làm việc trong môi trường năng động, sáng tạo, nơi họ có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Với những đặc trưng này, các bạn trẻ này có thể mang đến nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo và hiệu quả cho công việc. Tuy nhiên, để Gen Z có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, cần có sự thấu hiểu và tạo điều kiện phù hợp từ phía thế hệ trước.

Hà và Kiên, hai sinh viên đại diện cho Gen Z, mong muốn được chia sẻ quan điểm của mình về việc học tập và làm việc. Họ tin rằng Gen Z có thể đóng góp tích cực cho xã hội, mong muốn được cống hiến sức trẻ của mình để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và hơn hết họ giàu sự đồng cảm, chia sẻ với mọi người.

“Hơn ai hết, mình rất hiểu việc Gen Z gặp những khó khăn và định kiến khi đi kiếm việc làm. Nhưng không vì những lời nói đó mà tôi đánh mất sự tự tin và nhiệt huyết”, Hà khẳng định.

Dựa vào những kinh nghiệm từ bản thân mình, Trung Kiên cho rằng các bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu của bản thân khi làm thêm. Từ đó tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên ngành và khả năng, phúc lợi nhận được và đặc biệt chú ý vấn đề cân bằng giữa việc học, làm việc và nghỉ ngơi.

Thấu hiểu sự vất vả của nhiều sinh viên, bà Lưu Thị Nam Hà, giảng viên Khoa đào tạo Ngôn ngữ và Văn Hóa Nga (Đại học Ngoại ngữ) cho rằng làm thêm dịp hè là cơ hội để các bạn sinh viên trải nghiệm, nâng cao kiến thức.

Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc thời gian để các bạn gắn bó với gia đình sẽ bị hạn chế.

“Tôi luôn khuyên các sinh viên phải tự đưa ra quyết định và tập cân bằng cuộc sống”, bà Hà cho biết.

Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
(Ngày Nay) - Theo nghiên cứu mới của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), mực xăm hình và mực phun xăm thẩm mỹ được được đóng bao bì kín, trong đó có cả những loại được đánh dấu vô trùng, chứa hàng triệu vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh.
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
(Ngày Nay) - Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Chiều 27/8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Hà Giang nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, nhân viên lực lượng liên ngành Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Ảnh tư liệu: Trí Dũng
Thực hiện lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi cực Bắc thân yêu của Tổ quốc
(Ngày Nay) - Lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã trở thành kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân...